Chăm sóc dinh dưỡng và bảo đảm an toàn thực phẩm phòng chống dịch bệnh Covid-19

           Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần, thời gian nghỉ Tết thường kéo dài, là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm. Các vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe như xuất xứ nguồn gốc thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến cần đảm bảo an toàn, vệ sinh sạch sẽ, đủ chất dinh dưỡng là mối quan tâm hàng đầu của mọi gia đình.
           Đảm bảo an toàn thực phẩm
           Lựa chọn thực phẩm cho các ngày lễ tết và phòng chống dịch bệnh, người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng khi mua cần đọc nhãn mác, hạn sử dụng sản phẩm thực phẩm. Sử dụng găng tay, khẩu trang khi đi mua thực phẩm; Hạn chế tiếp xúc ở những khu vực chứa chất thải và nước thải trong các chợ; Tuyệt đối không sử dụng thịt động vật chết do bị bệnh vì đây là những nguồn gây bệnh nguy hiểm.
Không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh không đảm bảo an toàn. Không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc mốc hỏng. Không lạm dụng rượu, bia gây ảnh hưởng đến sức khỏe để đón Tết Tân Sửu trọn niềm vui. Không uống rượu khi không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Trong các bữa ăn gia đình cần đảm bảo thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội. Không ăn thức ăn sống hoặc tái như cá sông, thịt sống, trứng sống, gỏi, tiết canh,…

        Thực hiện vệ sinh nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh
        
Rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn có cồn ngay sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm và các loại thịt sống để tránh mang mầm bệnh về nhà. Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi khi ăn. Không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, ca cốc... Giặt khăn thường xuyên và giữ khăn luôn khô, sạch, không treo khăn mặt, khăn tắm ẩm ướt trong nhà tắm.
     Trong thời gian còn dịch bệnh, nên hạn chế bắt tay hoặc ôm người khác. Nên dùng khăn giấy sạch khi cần dụi mắt hoặc lau vết bẩn. Hãy rửa tay đúng cách với xà phòng và nước ấm hoặc dùng nước rửa tay khô trước khi đeo găng tay. 


Ảnh: Nguồn internet
        Bảo quản thức ăn sau khi nấu chín chưa ăn ngay
- Che đậy tránh bụi, côn trùng
- Bảo quản ở nhiệt độ môi trường khoảng 22 °C không quá 2 giờ. Môi trường mùa hè thì không để thực phẩm, thức ăn ở bên ngoài quá 1 giờ.
- Khi có nhu cầu bảo quản lâu hơn, cần sử dụng tủ lạnh hoặc tủ đông để bảo quản.
- Thức ăn dư thừa, nếu để sử dụng cho bữa ăn sau cần bảo quản tránh côn trùng, đun sôi lại trước khi ăn.
Trong khi dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát, để đảm bảo an toàn những người cách ly không được nấu ăn, phục vụ ăn uống cho người khác. Nếu bản thân đang trong diện cách ly không được ngồi chung với các thành viên trong gia đình. Rửa tiệt trùng và bảo quản riêng dụng cụ ăn uống của người đang cách ly.
       Chú ý chế độ dinh dưỡng cho một số đối tượng đặc biệt
       Đối với người cao tuổi: đặc biệt lưu ý ăn đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, trứng, lưu ý đến khẩu vị, sở thích để có thể ăn đủ số lượng. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày.
       Trẻ em: Cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn, đây là biện pháp phòng chống lây nhiễm tốt nhất với trẻ nhỏ. Tiếp tục bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng. Trẻ mẫu giáo và học sinh, cần ăn uống điều độ, đủ số lượng nếu trẻ bị biếng ăn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Nên ăn nhiều quả chín, rau xanh, uống nước ngụm nhỏ thường xuyên để giữ ẩm cổ họng, ngăn ngừa sự xâm nhập của virus, vi khuẩn.
       Những người đang mắc các bệnh mạn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch... cần uống thuốc điều trị bệnh thường xuyên, đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Thực hiện chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của Bác sỹ và chuyên gia dinh dưỡng.
       Người dân ngoài việc đảm bảo an toàn thực phẩm cần chú trọng bổ sung vi chất dinh dưỡng, vitamin và muối khoáng đây là cách tốt nhất để nâng cao sức đề kháng của cơ thể để có thể tiêu diệt vi rút đặc biệt là vi khuẩn có hại cho đường tiêu hóa, vi rút cúm mùa, vi rút SARS – CoV 2 ngay từ khi mới xâm nhập cơ thể khiến chúng không có cơ hội gây bệnh./.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang

Hợp tác chuyên môn