Chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết

     Trong khi cả nước tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 thì thời gian gần đây số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
     Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 24.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Bình Định, Bình Phước, Cần Thơ và Tây Ninh, hai thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận thêm các ổ dịch mới phát sinh. Những ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện giữa lúc dịch Covid-19 là mối nguy cơ dịch chồng dịch, do vậy, cần có những biện pháp phòng chống, kịp thời.
     Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa đặc biệt trong thời tiết biến đổi như hiện nay. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.
     Khi mắc sốt xuất huyết người bệnh có những biểu hiện như sau:
- Thể bệnh nhẹ: Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có nổi mẩn, phát ban.
- Thể bệnh nặng: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
     Trẻ em là đối tượng có khả năng dễ bị mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều nhất do chưa tự biết bảo vệ bản thân khỏi các mầm bệnh tấn công. Các ca sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện không rõ ràng thường gây nhầm lẫn với các bệnh thông thường, dẫn đến khó điều trị. Khuyến cáo các phụ huynh khi thấy trẻ sốt cao, không hạ hoặc chảy máu lợi, chảy máu chân răng bất thường, người nổi nốt, phát ban cần đưa ngay đến cơ sở y tế để khám và điều trị, không tự ý chữa trị tại nhà
     Trong năm, Trung tâm Y tế thực hiện các chiến dịch phun thuốc diệt muỗi và hướng dẫn người dân cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Trung tâm chỉ đạo khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS phối hợp với các trạm y tế xã theo dõi, giám sát thường xuyên, phát hiện sớm diễn biến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết để có biện pháp xử lý  kịp thời. Đơn vị chuẩn bị đủ cơ số thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Mặc dù trên địa bàn huyện chưa ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết nào nhưng người dân cần nêu cao cảnh giác phòng chống bệnh. Và biện pháp phòng bệnh hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy; mỗi người, mỗi gia đình cộng đồng hãy đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thả cá vào lu, chum, vại, bể nước, hồ nước và dụng cụ chứa nước lớn diệt lăng quăng, bọ gậy. Thay rửa dụng cụ chứa nước thường xuyên. Thường xuyên thay nước bình hoa, đổ nước đọng tại khay nước tủ lạnh. Bỏ muối, dầu hóa chất diệt lăng quăng, bọ gậy vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ, lật úp các vật phế thải như: chai, lọ, vỏ dừa, lốp vỏ xe cũ, các hốc chứa nước, lật úp các dụng cụ chứa nước chưa sử dụng không cho muỗi đẻ trứng. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám tư vấn và điều trị và đặc biệt không tự ý điều trị tại nhà.
Tổng hợp: Nông Nhung

Hợp tác chuyên môn