Gia tăng trẻ em mắc bệnh tay chân miệng

       Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước hoặc phân của người nhiễm bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Do đó, những trẻ học lớp mầm non, mẫu giáo có nguy cơ nhiễm bệnh rất lớn vì trong quá trình học tập, vui chơi, trẻ có thể bị lây chéo qua đường miệng do chơi cùng các đồ chơi và thói quen ngậm đồ chơi vào miệng. Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương vùng khí hậu nhiệt đới, bệnh thường xuất hiện và mắc tăng cao từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.

Ảnh: Nguồn Internet
        Tại Trung tâm Y tế Hữu Lũng, tình hình bệnh chân tay miệng đang có chiều hướng gia tăng. Tính từ đầu tháng 9 đến nay có đến 40 trẻ được khám và chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng. Đa số trẻ khi bác sĩ chuyên khoa da liễu khám và chẩn đoán ở mức độ 1 thể nhẹ, được chỉ định điều trị ngoại trú và theo dõi sức khỏe tại cơ sở y tế. Hầu hết các trẻ đến khám đều ở thể nhẹ vì vậy cha mẹ cần lưu ý một số các triệu chứng đặc trưng nhận biết của bệnh tay chân miệng ở giai đoạn khởi phát là sốt nhẹ 37,5 – 38°C, đi ngoài phân lỏng hoặc nát 1-3 lần/ngày, trẻ quấy khóc, biếng ăn, kém linh hoạt, đau họng. Giai đoạn toàn phát, trẻ có biểu hiện loét miệng, niêm mạc má, lợi, lưỡi xuất hiện chấm đỏ hình thành các phỏng nước, phát ban dạng phỏng nước trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, sốt nhẹ, nôn. Đến thời điểm hiện tại chưa có thuốc hay vaccine điều trị đặc hiệu phòng ngừa bệnh tay chân miệng mà chỉ điều trị triệu chứng và đề phòng các biến chứng nặng của bệnh. Vì vậy, khi trẻ sốt cao trên 39 độ, thở nhanh, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều, đi loạng choạng, da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh thì phụ huynh cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị.
       Việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ là biện pháp phòng ngừa tốt nhất giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ trước dịch bệnh và hạn chế dịch bệnh lây lan cụ thể:
      Người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ… Đồng thời hướng dẫn trẻ thực hiện rửa tay đúng cách hàng ngày.
      Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa.
      Thực hiện ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng.
      Cách ly trẻ mắc bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, khu vui chơi tập trung đông trẻ em khi trẻ bị bệnh.
Nông Nhung

Hợp tác chuyên môn