Khuyến cáo cách phòng, tránh đột tử

         Hiện nay, hiện tượng đột tử xuất hiện ngày càng nhiều và xảy ra cả ở lứa tuổi ngày càng trẻ. Đây là vấn đề nan giải mà các tổ chức y tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang dùng mọi biện pháp để hạn chế. Mặc dù, Việt Nam vẫn chưa có một thống kê cụ thể về các trường hợp đột tử. Nhưng tại nhiều nước, ví dụ như ở Mỹ, người ta ước tính khoảng từ 10%-15% số trường hợp đột tử ở người dưới 45 tuổi thường do các bệnh lý nhưng trên nền tim vẫn bình thường. Về cơ bản, hầu hết nguyên nhân đột tử - đặc biệt là đối với người trẻ - tuyệt đại đa số là do nguyên nhân tim mạch, sau đó mới đến nguyên nhân khác như: tai biến mạch máu não do vỡ các dị dạng phình mạch não, thông động tĩnh mạch não.

Ảnh: nguồn internet
          Những dấu hiệu nhận biết người bị đột tử
          Đột tử là tình trạng tử vong đột ngột ngay lập tức, tuổi càng cao nguy cơ đột tử càng tăng, xảy ra ở cả nam lẫn nữ. Đột tử là ngừng tim ngay, thường không có dấu hiệu báo trước; tuy nhiên, trước đó nếu để ý kỹ người dân có thể đi khám sàng lọc khi có các dấu hiệu gợi ý trong nhóm nguy cơ cao về đột tử. Khi có các dấu hiệu như: hồi hộp, nóng ngực, tức ngực, đặc biệt trong gia đình có tiền sử người trẻ đột tử hoặc tiền sử ngất xỉu thì những người đó cần đến bệnh viện để khám, sàng lọc tim mạch.
          Ví dụ như trong gia đình có người trẻ từng bị đột tử không rõ nguyên nhân hoặc trong các hoạt động gắng sức nhiều như chơi thể thao mà xảy ra ngất xỉu, mệt hoặc các rối loạn nhịp, thỉnh thoảng thấy hồi hộp quá mức trong ngực thì cần đi khám để sàng lọc được các nguyên nhân, điều trị các nguyên nhân đó và thay đổi lối sống để giảm được các nguy cơ đột tử.
          Nguyên nhân dẫn tới đột tử
          Chia ra 2 nhóm nguyên nhân chính. Một là nguyên nhân do các bệnh lý ở cấu trúc tim, ví như bệnh nhân có tiền sử bệnh lý mạch vành từ trước như: hẹp mạch vành nhồi máu cơ tim, suy tim, bệnh lý van tim… Đối với những người này đã nhận biết nguyên nhân từ trước nên cần có một chiến lược phòng ngừa như là hạn chế gắng sức, dùng thuốc đều đặn.
          Hầu như, các trường hợp đột tử rơi vào người không có bệnh lý cấu trúc tim, không có dấu hiệu báo trước thì sẽ chia ra các nhóm như: hội chứng quy tê dài, quy tê ngắn, hội chứng tiền kích thích, hội chứng rude.
          Những phương pháp cấp cứu đối với người bị đột tử
          Trên cơ sở khám sàng lọc, bác sỹ sẽ đưa ra các khuyến cáo để giảm nguy cơ đột tử. Đột tử thường xảy ra ở nhà hoặc nơi công cộng nên các phương tiện cấp cứu gần như không có, lúc đó các phương pháp sơ cứu là quan trọng nhất. Khi bệnh nhân ngừng tim thì ép tim, phải thực hiện hô hấp nhân tạo và gọi cấp cứu tại chỗ. Nếu bệnh nhân bị đột tử không sơ cứu tại chỗ mà đưa bệnh nhân đi đến ngay các bệnh viện thì khi đến nơi thời gian xử trí đã quá muộn và gần như không có kết quả.
          Đối với các bệnh nhân đã có các bệnh lý, dễ dẫn đến nguy cơ đột tử cao thì cần tuân thủ uống thuốc theo đơn thuốc được kê uống định kỳ hàng tháng. Đối với người trẻ, giải pháp phòng tránh hiệu quả nhất là cần sàng lọc về tim mạch và mạch não. Quan trọng nhất vẫn là thay đổi lối sống, không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, hạn chế vận động gắng sức và khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh lý về tăng huyết áp, tiểu đường. Đây là những bệnh thường gây nguy cơ về mạch vành. Khi khám sức khỏe định kỳ nếu phát hiện các nguy cơ về tim mạch thì người dân cần đến các chuyên khoa tim mạch để khảo sát sâu thêm về tim mạch, đưa ra các chiến lược phòng ngừa các yếu tố nguy cơ cho bệnh nhân./.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang

Hợp tác chuyên môn