Những điều cần biết về bệnh dại

Bệnh dại là một bệnh lây truyền sang các loài động vật có vú, hầu hết 100% trường hợp nhiễm bệnh đều bị tử vong. Bệnh dại ở chó là do lây nhiễm qua vết cắn của vật bị dại.


Ảnh: Nguồn Internet

Nguồn bệnh và chất lây nhiễm

          Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên: động vật có vú máu nóng như chó, mèo, chồn, cầy, cáo, và động vật có vú khác. Ở Châu Âu, châu Mỹ còn thấy ổ chứa ở loài dơi. Tại Việt Nam, chó là nguồn truyền chủ yếu chiếm hơn 96% các trường hợp tử vong do bệnh dại, sau đó đến mèo

Dịch cơ thể người và động vật mắc dại (nước bọt, nước tiểu,…)

Các mô của người và động vật dại (ghép mô, phủ tạng, giết mổ động vật nhiễm dại).

Lây từ không khí trong phòng xét nghiệm, hang dơi

Cơ chế lây truyền bệnh dại

        Cơ chế lan truyền từ động vật sang người: cắn, tiếp xúc nước bọt, mô não, ăn đồ sống thịt động vật, sữa bị nhiễm virus dại, làm thịt, lây trong không khí phòng thí nghiệm.

        Sự lây truyền từ người sang người: ghép mô, phủ tạng; tiếp xúc nước bọt của người và từ mẹ sang con.

Thời gian ủ bệnh

        Thời gian ủ bệnh thường từ 1-3 tháng sau khi phơi nhiễm có thể từ 5 ngày đến 2 năm. Thời gian này phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết căn đến não. Vết cắn càng sau, càng nặng và gần khu thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Tiêm phòng bệnh trước phơi nhiễm 

        Người có nguy cơ cao phơi nhiễm với virus dại như cán bộ thú y, kiểm lâm, bảo tồn thú hoang, nhân viên làm việc trong phòng thí nghiệm với virus dại, làm nghề giết mổ, đi du lịch đến vùng có lưu hành bệnh dại cao, trẻ em ở vùng có nguy cơ cao,... Đây là những đối tượng dễ phơi nhiễm với virus dại nên cần được tiêm phòng để có hiệu quả lâu dài. 

    Điều trị sau phơi nhiễm

        Là người bị chó mèo, động vật nghi dại cắn, liếm hay tiếp xúc với nước bọt hoạt động vật nghi dại dính vào niêm mạc mắt, miệng, niêm mạc bộ phận sinh dục hoặc các phơi nhiễm với bệnh phẩm có virus dại tại phòng thí nghiệm. 

    Xử lý vết thương ngay khi bị động vật nghi dại cắn 

        - Rửa kỹ vết thương bằng xà phòng càng sớm càng tốt dưới vòi nước chảy. Xối rửa kỹ các vết thương trong vòng 15 phút tất cả các vết cào, cắn. Sau đó sát khuẩn bằng cồn 40° - 70° hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết thương.

        - Đến điểm tiêm phòng gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị dự phòng bằng vắc xin dại và huyết thanh kháng dại.

        - Tiêm vắc xin dại càng sớm càng tốt. Hiện tại trung tâm Y tế Hữu Lũng đang sử dụng vắc xin dại Verorab được sản xuất tại Pháp để điều trị cho người dân. 

        Người dân có nhu cầu tiêm chủng các loại vắc xin trên có thể liên hệ tới khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS của Trung tâm Y tế Hữu Lũng theo sđt 0253.825.071 kể cả các ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật và ngày nghỉ lễ.

    Lịch tiêm chủng vắc xin phòng dại 

        - Liều lượng: 0.5ml/liều người lớn và trẻ nhỏ tiêm liều như nhau. 

        - Số lượng: 5 mũi tiêm 

        - Thời gian vào các ngày 0-3-7-14-28 

        - Đối với vết thương bị cắn sâu, cắn vào các đầu chi, mặt, vùng hạ bộ ở mức độ 3 được chỉ định sử dụng huyết thanh kháng dại phối hợp với vắc xin dại nhằm trung hòa virus.

        - Tuân thủ đúng thời gian hẹn tiêm và tiêm đủ liều để đáp ứng miễn dịch trước khi virus kịp thâm nhập vào thần kinh trung ương.

    Không làm khi bị động vật cắn cũng như sau khi tiêm vắc xin 

        - Không sờ vào vết thương bằng tay không 

        - Không đắp chất kích thích vào vết thương như dầu, đất, lá thơm, lá trầu không. 

        - Không khâu quá chặt vết thương, không đốt vết thương. 

        - Không chữa thuốc nam 

        - Không sử dụng đồ uống có ga, có cồn ít nhất trong 3 tháng kể từ ngày tiêm mũi đầu./.

Tổng hợp: Linh Trang

Hợp tác chuyên môn