Những điều cần biết về biểu hiện đau ngực cấp

          Đau ngực là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau, bất kể cơ quan nào trong lồng ngực bị rối loạn hoạt động đều gây ra cơn đau. Thậm chí một số tạng gần đó như dạ dày bị viêm hoặc loét cũng có thể gây đau ngực.

Ảnh: Nguồn Internet
Để tìm hiểu nguyên nhân nào gây ra đau ngực vẫn gặp nhiều khó khăn, ngay cả với bác sĩ có chuyên môn cao. Nếu bị đau ngực bạn cần chú ý đến các dấu hiệu nghi ngờ cơn đau ngực nguy hiểm.
           Mối nguy hiểm lớn nhất khi bị đau ngực đó là Nhồi máu cơ tim với biểu hiện trụy tim mạch, thậm chí là ngừng tim đột ngột (đột tử). Nguyên nhân do tắc nghẽn mạch vành gây ra. Mạch vành là hệ mạch bao quanh tim, có vai trò nuôi dưỡng cơ tim, do xơ vữa, huyết khối làm mạch vành hẹp lại rồi tắc gây tổn thương cơ tim.
           Người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao: hút thuốc lá, cao huyết áp, đái tháo đường,  rối loạn chuyển hóa lipid.
Biểu hiện của đau ngực
           Biểu hiện của đau ngực nguy hiểm xuất hiện ở người có nguy cơ bệnh mạch vành, hoặc người có tiền sử bệnh tim mạch với các đặc điểm sau:
  • Cơn đau ngực trái hoặc vùng thượng vị, có cảm giác như bị đặt một khối đá lên ngực hoặc cảm giác bị sợi dây thắt mạnh quấn quanh ngực
  • Diện tích điểm đau lớn hơn 2 cm²
  • Cơn đau lan lên cổ, hàm và răng
  • Cơn đau lên vai, xuống một hoặc cả hai tay
  • Cơn đau kèm sự lo lắng vô cớ
  • Vã mồ hôi, buồn nôn hoặc nôn
  • Tím môi, khó thở, hoặc đi vào tình trạng sốc (da lạnh, ẩm, nhợt nhạt)
Hỗ trợ người có triệu chứng đau ngực cấp
  • Để người có biểu hiện đau ngực có tư thế ngồi thoải mái, dựa lưng vào tường có chiếc gối lót sau lưng.
  • Nới rộng cổ áo, thắt lưng, chọn chỗ ngồi thông thoáng, nếu nằm trong phòng nên mở cửa sổ giúp người bệnh dễ thở, bớt cảm giác ngột ngạt.
  • Động viên, an ủi người bệnh bớt lo lắng, sợ hãi vì đó là nguyên nhân khiến tim đập tăng lên, nhu cầu oxy cơ tim tăng lên. Không tốt cho sức chịu đựng của tế bào cơ tim.
  • Gọi hỗ trợ y tế càng sớm càng tốt để được tư vấn và hướng dẫn các bước sơ cứu
  • Nếu người bệnh rối loạn ý thức hoặc bất tỉnh, kiểm tra mạch đập, đánh giá tình trạng sức khỏe ưu tiên xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đặt người bệnh vào tư thế an toàn.
Những lưu ý khi hỗ trợ người có biểu hiện đau ngực
-Việc sử dụng thuốc cho người bệnh là việc của các nhân viên y tế. Chỉ có các bác sĩ mới được phép quyết định nên cho người bệnh dùng thuốc gì.
-Nếu người bệnh có tiền sử bệnh lý từ trước và đang điều trị theo đơn của bác sĩ và có sẵn thuốc thì có thể cho họ uống thuốc theo đơn có sẵn, người hỗ trợ giúp đỡ người bệnh uống thuốc.
Tránh cho người bệnh uống các loại nước có chất kích thích như nước uống có cồn, trà, cà phê./.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang

Hợp tác chuyên môn