Thông tin về vắc xin AstraZeneca phòng covid-19


          Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca là loại vaccine phòng SARS-CoV-2, được đồng phát triển bởi Đại học Oxford và Hãng dược nổi tiếng thế giới – AstraZeneca (Vương quốc Anh). Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ con người trước tác nhân gây bệnh COVID-19 lên đến hơn 89%, dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng.
          COVID-19 vaccine Astrazeneca là một loại vắc xin được sử dụng để bảo vệ các đối tượng từ 18 tuổi trở lên chống lại COVID-19. Vắc xin giúp cho hệ miễn dịch của người được được tiêm chủng có khả năng nhận biết và tiêu diệt virus SARS-COV-2.
          Tổ chức Y tế thế giới thông qua chấp thuận sử dụng vắc xin trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/02/2021. Vắc xin này đã được nhiều quốc gia chấp thuận lưu hành và sử dụng. Tại Việt Nam, vắc xin Covid-19 Astrazeneca đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh tại Quyết định 983/QĐ-BYT ngày 01/02/2021.
          Vắc xin COVID-19 của Astrazeneca chứa một loại virus gây cảm lạnh thông thường đã được biến đổi gen. Công nghệ “virus biến đổi” đã từng được thử nghiệm và ứng dụng thành công trong việc tạo ra vắc xin cho các bệnh lý khác.
            Lịch tiêm gồm 2 mũi:
          Mũi 1: Lần đầu tiên tiêm.
          Mũi 2: Sau mũi đầu tiên từ 8 – 12 tuần.
          Mỗi liều tiêm là 0,5 ml
          Chưa có đầy đủ dữ liệu về khả năng sử dụng thay thế cho nhau của vắc xin Covid-19 Astrazeneca với vắc xin khác. Khuyến cáo người dân tiêm đủ 2 liều cùng một loại vắc xin phòng Covid-19.
          Vắc xin phòng COVID-19 do của Hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford (Vương quốc Anh) sản xuất có dạng dung dịch, thời hạn sử dụng 6 tháng kể từ ngày sản xuất. Khi đã mở lọ, vắc xin phải được sử dụng trong vòng 6 giờ.

          Bảo quản vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca

          Trong quá trình sản xuất, lưu trữ và vận chuyển vắc xin, bảo quản là công đoạn đặc biệt quan trọng để đảm bảo chất lượng vắc xin khi đến tay người dùng. Nếu không có cơ sở vật chất và trang thiết bị phù hợp, chất lượng vắc xin sẽ bị ảnh hưởng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 50% vắc xin trên thế giới bị hủy do không đảm bảo chất lượng chỉ vì không có cơ sở vật chất phù hợp để bảo quản. Nếu điều này xảy ra với vắc xin COVID-19, thiệt hại có thể lên đến hàng tỷ liều, đây là một con số đáng sợ, có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu.
          Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca có quy trình bảo quản ở mức nhiệt 2-8oC, trong điều kiện bảo quản lạnh thông thường với thời gian trong vòng 6 tháng.

          Các trường hợp chỉ định và chống chỉ định tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca

1. Trường hợp chỉ định tiêm

Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca được chỉ định tiêm cho người lớn từ 18 tuổi trở lên để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra. Đến nay, vắc xin này vẫn có dữ liệu nghiên cứu về việc sử dụng vắc xin ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên dưới 18 tuổi.

2. Trường hợp trì hoãn tiêm chủng

Người có tiền sử đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng;

Người đang mắc bệnh cấp tính;

Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần;

3. Chống chỉ định tiêm: Tiền sử phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 cùng loại (lần trước); Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

          Một số tác dụng phụ khi tiêm phòng vắc xin AstraZeneca

Giống như một số loại vắc xin khác, sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca có thể gặp một số phản ứng phổ biến như:
          Phản ứng tại chỗ tiêm: Nổi ban đỏ, chai cứng, sưng, ngứa, đỏ tại chỗ tiêm.
          Một số phản ứng toàn thân khác: Sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ hoặc đau khớp, buồn ngủ, giảm cảm giác thèm ăn, nôn mửa, tiêu chảy.





Nguồn: VNVC

Hợp tác chuyên môn