Trang bị bộ dụng cụ sơ cứu cho cá nhân và gia đình

Mỗi cá nhân cũng như gia đình nên có ít nhất một bộ dụng cụ sơ cứu. Đây là một bộ dụng cụ y tế vô cùng cần thiết để sơ cứu vết thương khi gặp phải những tình huống gây thương tích trong cuộc sống như: té ngã, bị ong đốt, bỏng, đứt rách da hoặc phản ứng dị ứng cũng như tai nạn trong các hoạt động lao động, vui chơi ngoài trời. Do vậy, bộ dụng cụ sơ cấp cứu hữu ích để xử trí kịp thời hầu hết các tình huống cấp cứu đơn giản, chúng ta chuẩn bị những vật dụng y tế cần thiết sau:
1.  Gạc cuộn gồm 4 chiếc, dùng để buộc cố định xương khớp, băng vết thương. Chúng ta có thể đặt lên đường đi của mạch máu để thực hiện băng ép cầm máu.
2. Gạc miếng vô trùng gồm 3-5 gói, để cầm máu, rửa và che phủ vết thương.
3. Băng chun, 2 chiếc, dùng băng cấm máu, dùng băng cầm máu, băng ép bất động, băng trong bong gân, trật khớp.
4. Băng dán cá nhân, 10 chiếc để dán vào các vết đứt, rách da nhỏ.
5. Băng dính y tế, 1 cuộn loại có thể xé và cố định trong quá trình băng bó vết thương.
6. Panh, kéo loại nhỏ, nhiệt kế mỗi thứ 1 chiếc
7. Găng tay, túi nilon
8. Dung dịch sát trùng như cồn rửa tay, nước rửa tay khô (sát trùng tay), dung dịch povidone iondine 10% hoặc cồn 70° để sát trùng vết thương hở. Cồn 70° có thể sát trùng tay.
9. Thuốc
- Nước muối sinh lý, rửa vết thương, rửa mặt
- Thuốc bôi: kem kháng histamin, kem hydrocortisol 1% dùng trong các trường hợp côn trùng đốt, dị ứng ngoài da.
- Thuốc uống: tùy theo gia đình có người bị bệnh mạn tính hoặc nguy cơ bệnh lý thường gặp mà bạn có thể chuẩn bị thêm. Thông thường nhất là thuốc hạ sốt, giảm đau không kê đơn.
10. Cẩm nang sơ cứu: chúng ta cần nhớ khi xảy ra tình huống khẩn cấp về y tế việc không thể nhớ nổi cái gì cần làm trước tiên là chuyện hết sức bình thường. Vậy nên trang bị một cuốn cẩm nang cấp cứu sẽ giúp ích cho cá nhân và gia đình rất nhiều.
Lưu ý: Một bộ dụng cụ sơ cứu cho gia đình không nên có quá nhiều đồ, chúng ta sẽ bối rối khi mở nó ra. Tùy theo đặc trưng mỗi gia đình có người già, trẻ em, người bệnh mạn tính như hen phế quản, tăng huyết áp, đái tháo đường, … mà chuẩn bị dụng cụ và thuốc dự phòng cho phù hợp. Thường xuyên kiểm tra bộ dụng cụ sơ cứu, panh, nhíp, kẹp, kéo cần được vệ sinh trước và sau khi tiếp xúc với vết thương hở, vết thương chảy máu. Tốt nhất là luộc trong nước sôi ít nhất 5 phút hoặc dùng cồn, dung dịch sát trùng để vệ sinh dụng cụ. Định kỳ kiểm tra hạn sử dụng các loại thuốc, thay thế các vật dụng hoặc thuốc đã hết hạn./.

Hợp tác chuyên môn