Bệnh sốt xuất huyết Dengue

Với khí hậu nóng bức, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các loại bệnh dịch có cơ hội sự xuất hiện nhiều hơn của dịch như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não, viêm màng não,... Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sốt xuất huyết cụ thể là bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) hiện đang lan truyền với tốc độ rất nhanh có diễn biến phức tạp, gia tăng về phạm vi và số lượng người mắc bệnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề. Tại Việt Nam, trong 06 tháng đầu năm 2019 ghi nhận hơn 96.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 07 trường hợp tử vong (tại Bình Phước, Quảng Bình, Tiền Giang, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương),...
Bệnh sốt xuất huyết Dengue
SXHD là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Con đường lây truyền bệnh không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Muỗi truyền bệnh SXHD được gọi là véc tơ truyền bệnh. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm, xuất hiện và gây thành dịch vào các tháng mùa mưa, nhiệt độ trung bình trong tháng cao; bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. Bệnh SXHD phát triển mạnh nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10. Chu kỳ của dịch SXHD khoảng 3-5 năm một lần.

Con đường lây truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue
Thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa, tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều công trình xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại, nơi ao tù, nước đọng… là môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và loăng quăng phát triển, khó kiểm soát triệt để.
Đối tượng dễ mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue
Tất cả người dân thuộc mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút Dengue đều có thể bị nhiễm vi rút Dengue và mắc bệnh. Tuy nhiên, ở vùng bệnh lưu hành như miền Nam và Nam Trung bộ nước ta tỷ lệ mắc bệnh của trẻ em dưới 15 tuổi thường cao hơn, còn ở các vùng khác khả năng mắc bệnh của trẻ em và người lớn là như nhau.
Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết Dengue
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng..Ở thể nhẹ, người bệnh thường có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 - 400C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt. Những biểu hiện lâm sàng hay gặp như nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: da đỏ xung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi v.v. Những trường hợp nặng bệnh tiến triển dẫn tới tình trạng sốc: vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Nếu trong vùng cảnh báo dịch mà xuất hiện tình trạng trên thì người bệnh cần phải đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán sớm. Còn việc nhiều người có sự nhầm lẫn sốt xuất huyết với sốt phát ban thì cũng dễ phân biệt, nếu là SXH thì ngày đầu chưa có phát ban, thường ngày thứ 3-5 trở đi sẽ xuất hiện các nốt đỏ, da xung huyết có các chấm li ti và đặc biệt không ngứa.
Điều trị sốt xuất huyết Dengue
Phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú hoặc theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm diễn biến bệnh để xử trí kịp thời. SXHD là bệnh ở cộng đồng nên điều trị ở cộng đồng cần theo dõi tại nhà nếu sốt cao ≥ 390C, uống thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 - 15 mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ. Người bệnh cần bù dịch sớm bằng đường uống như uống nhiều nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, nước cam, nước chanh, …) hoặc nước cháo loãng với một chút muối. Chúng ta cần đưa người bệnh có những dấu hiệu như trên đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được các bác sĩ kiểm tra, tư vấn và điều trị. Khi người bệnh được cho nhập viện điều trị có chỉ định truyền dịch khi không uống được, nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước, lừ đừ,; mặc dù huyết áp vẫn ổn định.
Tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Tại Việt Nam, SXHD là một bệnh phổ biến do chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin phòng bệnh, phương pháp kiểm soát SXH chủ yếu sử dụng các biện pháp loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy như đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường xua muỗi, diệt muỗi, diệt bọ gậy và sử dụng các biện pháp hoá học khi xuất hiện các ổ dịch. Phòng chống muỗi đốt như dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... Để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế vừa có công điện khẩn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố triển khai mạnh mẽ các hoạt động diệt loăng quăng, bọ gậy trên địa bàn có nguy cơ; tăng cường công tác thông tin giáo dục, truyền thông về phòng, chống sốt xuất huyết, huy động các phương thức truyền thông tuyên truyền cho người dân về các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy, nằm màn, chống muỗi đốt và phối hợp với các cơ quan y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi tại các hộ gia đình.
Trung tâm Y tế Hữu Lũng phun hóa chất diệt muỗi 
Trung tâm Y tế Hữu Lũng đã và đang tăng cường giám sát, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và phát sinh, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao và phun hóa chất triệt để khi phát hiện các ổ dịch không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Trung tâm Y tế Hữu Lũng cũng đảm bảo cung ứng thuốc phòng, điều trị bệnh sốt xuất huyết theo văn bản khẩn số 12331/QLD-KD ngày 19/7/2019 của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã chỉ đạo. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế Hữu Lũng tiếp tục triển khai các kế hoạch truyền thông hướng dẫn người dân tại các xã trên địa bàn huyện Hữu Lũng về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue. Đặc biệt trong quá trình khám, chữa bệnh, điều trị bệnh nhân mắc bệnh, Trung tâm Y tế Hữu Lũng cũng hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết./.
Nguyễn Linh Trang

Hợp tác chuyên môn