Chỉ số vòng đầu của trẻ

          Hầu như những bà mẹ sinh con lần đầu đều lo lắng về những biểu hiện của trẻ như thường vặn mình hay trằn trọc, khó ngủ. Do đó, hai tuần lễ sau khi trẻ được sinh ra là thời gian thích hợp để các bố mẹ có thể trao đổi với bác sĩ mọi lo lắng băn khoăn của mình để được bác sĩ kiểm tra những vấn đề từ lúc trẻ sinh ra chưa hoàn thiện.

Ảnh: Nguồn internet
          Hiện nay, hầu như việc khám định kỳ cho trẻ ở Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở việc cân đo và tiêm phòng vắc xin. Điều này là cần thiết nhưng chưa đủ. Để kiểm tra sự phát triển của trẻ có bình thường không, bác sĩ còn cần kiểm tra thêm về những vấn đề sau: phát triển trí não; về tinh thần; giao tiếp về mặt xã hội, ngôn ngữ. Bác sĩ có thể xem xét trẻ đã đạt đến những mốc phát triển thông thường đúng theo kênh tăng trưởng riêng của trẻ.
          Não của trẻ tăng trưởng một cách rõ ràng nhất, đường tăng trưởng tăng rất nhanh (nếu được theo dõi kỹ lưỡng). Dinh dưỡng được nạp vào cơ thể dùng để nuôi bộ não, do đó, trẻ lớn lên thì vòng đầu của trẻ sẽ lớn theo. “Vòng đầu” là một chỉ số quan trọng và cần được theo dõi sát sao để đánh giá sự tăng trưởng ở trẻ trong hai năm đầu đời.
          Trong hai năm đầu tiên, não trẻ sẽ phát triển nhanh và đạt kích thước 80% não khi trưởng thành. Các nhà khoa học còn chụp được những sự thay đổi của não và họ nhận thấy, trong vài năm đầu đời, não trẻ tạo ra vô số mối liên kết giữa các tế bào thần kinh để phát triển đủ các kỹ năng của trẻ.
          Để đo vòng đầu của trẻ cần dùng một thước dây không chun giãn, chiều rộng thước khoảng 1cm và chia độ đến 0,1cm. Làm sạch thước sau mỗi lần đo. Cách đo: Đặt thước vòng quanh chu vi lớn nhất của đầu, đi qua trán (phía trên 2 lông mày), ở ngay sát trên tai, tránh đi qua tai và ép sát da đầu. Đọc số đo chính xác đến 0,1 cm. Trẻ sinh ra đủ tháng, so sánh với Bảng chỉ số phát triển vòng đầu ở trẻ em đến 24 tháng của WHO

Ảnh: nguồn internet
          Vòng đầu của trẻ sơ sinh sẽ đạt từ 34 - 35 cm.
          Trong khoảng từ 0 - 3 tháng tuổi, chu vi vòng đầu của bé sẽ tăng khoảng 2 cm mỗi tháng.
          Trong khoảng từ 4 - 6 tháng tuổi thì vòng đầu sẽ tăng đều đặn 1cm/tháng.
          Tiếp đó trong khoảng 6-12 tháng tuổi thì số đo này sẽ tăng là 0,5 cm/tháng.
          Mẹ cần đo vòng đầu trẻ sơ sinh thường xuyên. Nếu vòng đầu của bé không tăng trong vòng 2 tháng thì mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để thăm khám.
          Chỉ số vòng đầu rất quan trọng trong việc đánh giá sự tăng trưởng của trẻ, nên mẹ cần lưu ý khi vòng đầu của trẻ không tăng lên. Nếu vòng đầu của trẻ tăng nhanh quá mức (đầu bé sẽ to quá mức), cộng thêm với những triệu chứng khác về thần kinh thì cũng có thể có vấn đề khiến cho thể tích của não tăng lên. Một trong những vấn đề hay gặp là não úng thủy, nghĩa là não bị ứ dịch bên trong, làm cho đầu bị to quá. Những trường hợp này cần có bác sĩ can thiệp để điều trị.
          Ngoài việc theo dõi sự phát triển của trẻ về cân nặng và chiều cao, các bố mẹ cũng nên theo dõi những triệu chứng đi kèm khác nữa về phát triển các chức năng của não, nếu trẻ quá chậm về các mốc vận động thô, vận động tinh, về giao tiếp xã hội… thì mẹ có thể đưa trẻ đi khám để bác sĩ xem xét. Nếu có nghi ngờ trẻ kém phát triển não bộ, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hay chụp phim não bộ, để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác và can thiệp kịp thời./.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang

Hợp tác chuyên môn