Ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh quai bị trên địa bàn huyện Hữu Lũng

           Bệnh quai bị (còn gọi là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút quai bị gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp, bệnh xảy ra quanh năm. Bệnh quai bị hay gặp ở lứa tuổi học đường và hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên tại các trường mẫu giáo, trường học, đơn vị tân binh… Trẻ em dưới 2 tuổi và người già rất ít khi bị bệnh.

                 Ảnh: Nguồn internet
           Trong 6 tháng đầu năm 2020 tại huyện Hữu Lũng ghi nhận 45 trường hợp mắc bệnh quai bị trong đó tập trung chủ yếu tại các trường học xã Yên Bình. Trung tâm Y tế sau khi điều tra, lập danh sách cụ thể có 38 học sinh và 01 giáo viên đang học tập và làm việc tại xã Yên Bình. Các trường hợp bị mắc bệnh quai bị được hướng dẫn cách ly tại nhà riêng, được cán bộ y tế khám, hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh, cấp thuốc và điều trị tại nhà, tất cả các trường hợp đều được phát hiện sớm và điều trị kịp thời chưa có trường hợp nào xảy ra biến chứng nặng.
          Trung tâm Y tế tăng cường công tác tuyên truyền tại trạm Y tế xã, thực hiện phun khử khuẩn tại các lớp học từ mầm non tới THCS của xã Yên Bình, cán bộ y tế trực tiếp tới tư vấn, tuyên truyền cho các thầy cô, học sinh về biểu hiện của bệnh quai bị, cách phòng chống bệnh quai bị không để lan trong cộng đồng.  Mặc dù, bệnh quai bị ít gây tử vong nhưng phụ nữ có thai mắc bệnh quai bị có thể bị sảy thai, đẻ non, ở nam giới tuổi trưởng thành nếu viêm tinh hoàn nặng cả hai bên có thể dẫn đến vô sinh. Những trường hợp mắc bệnh quai bị đã được cán bộ y tế khoanh vùng điều trị, tiếp tục theo dõi, phát hiện sớm những trường hợp mắc mới trong cộng đồng, đặc biệt là tại các trường học.
           Hiện nay, bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng, tăng cường dinh dưỡng, nâng đỡ cơ thể, phát hiện và xử trí sớm các biến chứng viêm tinh hoàn, viêm màng não…
           Để phòng chủ động phòng chống bệnh quai bị, trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
 - Thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp, thường xuyên đeo khẩu trang để tránh những viêm nhiễm gây nên bệnh quai bị.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị (vắc xin dịch vụ người tiêm tự chi trả kinh phí). Tiêm chủng phòng chống bệnh quai bị rất quan trọng ở những trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch.
- Khi có người bị bệnh phải cho nghỉ tại nhà để cách ly (từ 7 - 14 ngày), tránh lây lan cho các người khác.
- Khi thấy biểu hiện như sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng, sau đó sốt tăng dần lên đến 39,5°C - 40°C, các tuyến mang tai gần tai bắt đầu sưng lên và đau, làm cho việc nhai và nuốt đau đớn… Khi có tiếp xúc với người bị bệnh hoặc có các biểu hiện nghi ngờ phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời, đặc biệt là với những trường hợp bị khó nuốt, khó thở, viêm tinh hoàn./.
Linh Trang

Hợp tác chuyên môn