Nguy hiểm khi truyền dịch tại nhà

Truyền dịch là một biện pháp tiêm truyền tĩnh mạch nhỏ giọt, đưa những chất có lợi vào cơ thể qua đường máu để hỗ trợ cho việc điều trị bệnh hoặc để phục hồi cơ thể,.... Trên thực tế, việc truyền dịch rất cần thiết, trong nhiều trường hợp truyền dịch còn là biện pháp cấp cứu quan trọng, giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Tuy nhiên việc truyền dịch không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ rằng chỉ là cắm kim truyền rồi chờ cho dịch chảy hết.
Công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh tại TTYT Hữu Lũng
          Một số người dân khi mệt mỏi, ăn kém thường có thói quen tự truyền dịch tại nhà, tuy nhiên truyền dịch cũng có những tai biến có thể xảy ra. Ngày 09/4/2023, khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn có tiếp nhận 03 trường hợp phản vệ sau truyền dịch tại nhà. Bệnh viện Đa khoa tỉnh báo cáo tình trạng sức khỏe lúc vào nhập viện của người bệnh đều có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, rét run, khó thở sau truyền dịch.
          Những tai biến nguy hiểm có thể xảy ra khi tự truyền dịch tại nhà đó là:
          Sốc phản vệ có thể dẫn tới tử vong là tai biến nặng nhất.
          Nhiễm trùng máu, cũng là một tai biến nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
          Phù toàn thân, tràn dịch màng bụng, phù phổi, suy hô hấp hay suy tim, đặc biệt ở những người có các bệnh về tim mạch đã được chẩn đoán hoặc chưa được phát hiện.
          Khi đưa vào trong cơ thể một lượng dịch không cần thiết sẽ dẫn tới tình trạng dư thừa và làm rối loạn điện giải, từ đó gây ra nhiều hệ lụy khác.
          Khi tự ý truyền dịch tại nhà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh như viêm gan B, C, HIV/AIDS,... do kỹ thuật truyền không đúng, không đảm bảo vô trùng.
          Gây thiếu hụt các yếu tố vi lượng.
          Khi truyền dịch kéo dài sẽ dẫn đến hiện tượng các dung mao của ruột thoái hóa làm cho khả năng hấp thụ thức ăn kém, dẫn tới hậu quả là cơ thể bị thiếu các vitamin và khoáng chất.
          Khi lượng dịch truyền vào cơ thể quá nhiều có thể gây ra tình trạng các tế bào bị mất nước ưu trương, làm teo tế bào não rất nguy hiểm.
                Do vậy, việc truyền dịch tại nhà là không đảm bảo an toàn sức khỏe cho người bệnh và không đúng với Quy định trong thực hiện kỹ thuật chuyên môn về y tế tại Thông tư số 43/2013/TT-BYT, ngày 11/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 21/2017/TT-BYT ngày 10/5/2017 thông tư sửa đối, bổ sung Danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh. Theo quy định tại Thông tư đối với 02 kỹ thuật truyền dịch dưới đây chỉ được phép thực hiện tại cơ sở y tế được cấp phép hoạt động và được Sở Y tế phê duyệt (cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân)gồm: Nuôi d­ưỡng ng­ười bệnh bằng đư­ờng truyền tĩnh mạch ngoại biên ≤ 8 giờ và Truyền thuốc, dịch tĩnh mạch ≤ 8 giờ.
          Để bệnh nhân được truyền dịch, bác sĩ cần thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh, từ đó lựa chọn loại dịch truyền, số lượng dịch truyền trong ngày, thời gian truyền và tốc độ truyền thích hợp với từng bệnh nhân. Sau khi có chỉ định của bác sĩ, các điều dưỡng đã được đào tạo sẽ tiến hành truyền dịch. Việc truyền dịch cần phải thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị, phương tiện cấp cứu, nhân viên y tế đã qua đào tạo đáp ứng chuyên môn kỹ thuật để có thể xử lý kịp thời nếu xảy ra hiện tượng sốc phản vệ.
          Để tránh xảy ra rủi ro, người dân khi có biểu hiện mệt mỏi không nên lạm dụng việc truyền dịch tại nhà, khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khuyến cáo thực hiện truyền dịch phải có sự thăm khám, chỉ định của bác sĩ và phải được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín để có đầy đủ các phương tiện cấp cứu khi tai biến xảy ra.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang

Hợp tác chuyên môn