“Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.


Thực hiện bình đẳng giới là đảm bảo quyền con người. Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Thực hiện bình đẳng giới đem lại lợi ích cho phụ nữ và xã hội.
Bình đẳng giới phải được thực hiện trong mỗi gia đình. Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong điều kiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa hiện nay. Bình đẳng giới trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng; là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên gia đình, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước; góp phần giải phóng phụ nữ và xây dựng thể chế gia đình bền vững.
          Trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về quyền bình đẳng trên lĩnh vực bình đẳng giới như: Luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình,…mà trọng tâm là Luật bình đẳng giới và thông qua các Công ước quốc tế như công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em,… nhờ đó mà phụ nữ và trẻ em đều được bảo vệ.
            Tuy nhiên, thực tế hiện nay, định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường dài hơn nam giới, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là “thiên chức” của phụ nữ. Hoặc nhiều gia đình Việt Nam ngày nay vẫn còn tư tưởng thích có con trai hơn con gái, phân biệt đối xử giữa người con trai và con gái trong một gia đình,… Đặc biệt, hiện tượng bất bình đẳng vẫn phổ biến ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở đó, phụ nữ là lao động chính song lại không có tiếng nói trong gia đình, họ phải làm việc suốt ngày và không được tiếp cận với việc học hành. Những người đàn ông thường giành thời gian cho việc làng, việc nước, việc họ hàng, rồi sa vào các tệ nạn xã hội,… nên gánh nặng gia đình cũng như cường độ lao động và sự vất vả đều dồn lên đôi vai người phụ nữ. Và hiện tượng xúc phạm, đánh đập, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn diễn ra ngày càng nghiêm trọng trong xã hội.
Trong lĩnh vực y tế, đội ngũ y bác sĩ luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động vì bình đẳng giới. Tăng cường và duy trì các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn hướng tới giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, không lựa chọn giời tính khi sinh. Xây dựng các chương trình, mô hình và thực hiện các chính sách bình đẳng giới trong chăm sóc sức khoẻ ưu tiên bà mẹ, trẻ em.
Căn cứ Theo Điều 17 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế như sau:
Điều 17. Bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế
1. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khoẻ sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế.
2. Nam, nữ bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn tình dục, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
3. Phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Thứ nhất, nam, nữ bình đẳng được tham gia học tập, nâng cao nhận thức và tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bao gồm các hoạt động chuẩn đoán, điều trị, chữa bệnh, phòng ngừa bệnh, bệnh tật, thương tích, và suy yếu về thể chất và tinh thần; sử dụng các dịch vụ y tế như: sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà; điều trị tại bệnh viên, cơ sở y tế khác; cung cấp trang thiết bị điều trị bệnh,....
Thứ hai, nam nữ được lựa chọn, quyết định sử dụng tránh thai, biện pháp an toàn tình dục, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục bảo vệ, đảm bảo sức khỏe sinh sản cho cả nam và nữ.  Hiện nay có rất nhiều biện pháp tránh thai, an toàn tình dục áp dụng cho cả nam và nữ như: bao cao su, thuốc tránh thai, que tránh thai,....HIV là hội chứng nhiễm virus làm suy giảm miễn dịch ở người; AIDS là một dang bệnh tấn coong vào hệ miễn dịch, gây ra do bị nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người và là giai đoạn cuối của HIV. Bệnh lây truyền qua đường tình dục là bệnh có xác xuất truyền từ người này sang người khác thông qua các hành vi tình dục ví dụ như các bệnh: bệnh lậu, bệnh giang mai, mụn rộp sinh học, mụn có sinh học, viên gan B, HIV/AIDS,....
Thứ ba, phụ nữ cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những đối tượng có khó khăn về kinh tế cũng như các điều kiện cần thiết khi sinh con. Chính vì vậy, để thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế, Nhà nước có những chính sách, hỗ trợ để phụ nữ ở vùng sâu vùng xa đảm bảo sức khỏe sinh sản. Vấn đề này được quy định hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.
Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới năm 2023, Trung tâm Y tế Hữu Lũng gửi tới người dân các thông điệp tuyên truyền như sau:
- Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023.
- Đầu tư cho bình đẳng giới là đầu tư cho tương lai.
- Bình đẳng giới là thước đo của sự văn minh, tiến bộ và công bằng xã hội.
- Tăng quyền năng cho phụ nữ là tăng vị thế của quốc gia.
- Giới tính không quyết định năng lực và trình độ.
- Nam, nữ bình đẳng, xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc.
- Chia sẻ việc nhà, gia đình hạnh phúc.
- Mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em là vi phạm pháp luật.
- Mọi hình thức bạo lực đều vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm minh.
- Bình đẳng giới là chìa khoá để xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới.
- Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương.
- Hãy chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
- Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục phụ nữ và trẻ em.
- Hãy lên tiếng khi bị bạo lực.
- Hãy hành động vì cộng đồng bình đẳng giới, văn minh, an toàn và không bạo lực.
- Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và người bị xâm hại.
- Đồng tình với bạo lực là bạn đang cổ xuý cho hành vi sai trái.
- Không đổ lỗi cho người bị bạo lực.
- Hành động ngay hôm nay, bình đẳng giới trong tầm tay.

Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang


Bài viết liên quan

Hợp tác chuyên môn