Giảm rác thải nhựa, tăng màu sống xanh

Đất nước Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, tạo hóa ban cho chúng ta những rừng vàng biển bạc, có mạng lưới sông ngòi tự nhiên dày đặc, phân bố dọc theo chiều dài đất nước, có bờ biển dài trên 3.260 km với vị trí địa hình thuận lợi tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế biển. 

Nhưng nhìn lại thực tế vô cùng nhức nhối, chúng ta đang khiến thiên nhiên nổi giận về những hành động ứng xử tệ bạc khiến môi trường biển ô nhiễm hiện nay. Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, hiệu ứng nhà kính, nước biển dâng cao là hệ lụy từ những cánh rừng trơ trụi, những con suối khô cạn, những dòng sông biến dạng. 

Việc gia tăng các nguồn thải từ lục địa, đặc biệt là theo các dòng chảy sông ra biển dẫn đến môi trường biển nhiều nơi đang có xu hướng suy giảm về chất lượng. Nhiều vùng cửa sông ven biển đã bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp, đô thị. Tình trạng xả thải các chất thải chưa qua xử lý hay xử lý chưa đạt quy chuẩn đang diễn biến ngày càng phức tạp tại các tỉnh ven biển, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đời sống, sinh kế, sức khỏe của cộng đồng dân cư ven biển và những tổn hại khó lường đối với các hệ sinh thái, sinh vật biển. Ô nhiễm môi trường có bắt nguồn từ việc trong suốt thời gian dài chúng ta ứng xử với môi trường thiếu sự tôn trọng, thậm chí có thời điểm, có nơi còn vắt kiệt môi trường biển để phục vụ cho mục tiêu thoát nghèo và “đốt cháy giai đoạn” tăng trưởng kinh tế. Những cơn bão cấp độ mạnh, động đất, thủy triều, sóng thần, hạn hán, cháy rừng hay những thảm họa thiên nhiên xảy ra đó là hành động mà thiên nhiên phải vùng lên cảnh báo tới con người, ngưỡng chịu đựng của biển cả có giới hạn.

 Chúng ta đã coi việc biển cả đem lại cho ta những giá trị kinh tế như một nghĩa vụ mà không cần biết ơn, đền đáp, không cần bất cứ điều kiện gì. Hàng ngày con người đã thải ra một lượng rác rất lớn và gây ảnh hưởng đến sự bình yên của biển cả. Hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ, cho nên nguồn nước thải tại các khu vực này chủ yếu được xả thẳng ra đại dương; du khách xả rác bừa bãi trên các bãi tắm; rác thải chỉ xử lý bằng phương pháp chôn lấp; các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các khu du lịch biển lơ là trong công tác vệ sinh môi trường... 

 Rác không được xử lý làm ô nhiễm môi trường đặc biệt ở vùng ven biển đã bùng phát nhiều dịch bệnh truyền nhiễm cho con người như bệnh đường tiêu hóa, dịch sốt xuất huyết, bệnh về đường hô hấp … Đáng lo ngại hơn nữa, các sinh vật sống ở biển gần như bị tuyệt diệt, thảm thực vật dưới đáy biển hầu như biến mất,  khi tình trạng ô nhiễm môi trường biển đã đến mức báo động và hậu quả là thức ăn của sinh vật biển chính những thứ rác thải nhựa, túi nilong con người vứt ra, một số loài sinh vật quý hiếm, có giá trị cao như san hô đen, hải sâm, tôm hùm dần suy giảm,… 

Thiên nhiên đang giận dữ và đang có những hành động đáp trả lại những tác động xấu, vô ý thức của con người lên môi trường tự nhiên. Ô nhiễm môi trường biển có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trước hết là ở chính con người. Môi trường biển đang đòi hỏi con người phải có những hành động sửa chữa lỗi lầm mình gây ra.

Hãy bắt đầu làm lành, tôn trọng thiên nhiên trước khi quá muộn. Bảo vệ biển là bảo vệ môi trường sống trong hiện tại và cả tương lai. Đừng vội nói những điều to lớn kiểu như ý thức, giáo dục, văn hóa, chính quyền… ở đâu. Thay vì nói, chúng ta hãy hành động. Nếu chúng ta chưa làm được điều gì lớn lao cho môi trường biển thì cần bắt tay làm một việc nhỏ tại nơi chúng ta đang sống và làm việc trước, một việc ai cũng có thể làm được là đừng vứt rác ra biển như không xả rác bừa bãi.

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” và Ngày Đại dương thế giới với chủ đề “Đổi mới vì một đại dương bền vững”. Sự kiện là cơ hội để Việt Nam khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển; thể hiện ý chí quyết tâm phát triển toàn diện ngành nghề biển, bảo vệ tài nguyên môi trường vùng biển, đảo bền vững. Đồng thời, với việc đẩy mạnh chương trình hành động cụ thể sẽ hiện thực hóa các mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.

 Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo và ngày môi trường thế giới, Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng tổ chức những hoạt động tuyên truyền thiết thực góp phần nâng cao nhận thức cho từng cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà về chức năng, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển và đại dương đối với sự phát triển bền vững của đất nước; hiểu rõ các tác động và giảm thiểu những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với môi trường biển. Ban giám đốc Bệnh viện phát động phong trào lao động vệ sinh bảo vệ môi trường trong toàn bệnh viện, phong trào được lan tỏa tại mỗi khoa, phòng. Trung tâm Y tế huyện tăng cường kiểm soát việc thu gom, phân loại rác, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải, rác thải nhựa; thay thế hộp xốp mang vào bệnh viện  bằng đồ nhựa có thể tái sử dụng nhiều lần để đựng thức ăn, đồ uống. Đoàn thanh niên Chi đoàn cùng chung tay quyên góp những loại cây thuốc có sẵn trong vườn nhà cho vườn thuốc Đông Y nhằm cải tạo và trồng mới cây thuốc tại vườn thuốc Đông Y nhằm phát huy, nhân rộng, tiếp nối các hoạt động ý nghĩa cùng chung tay lan tỏa thông điệp “Giảm rác thải nhựa – Tăng màu sống xanh”
Những hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo, Ngày Đại dương thế giới và ngày Môi trường thế giới


              

Linh Trang


Bài viết liên quan

Hợp tác chuyên môn