Thi công lắp đặt thêm lò đốt rác thải tại Trung tâm Y tế Hữu Lũng

Trước thực trạng số lượng rác thải tại Trung tâm Y tế Hữu Lũng ngày một lớn. Tất cả rác thải đang được xử lý bằng 02 lò xử lý rác gồm: 01 lò đốt rác thủ công, công suất  nhỏ  (30kg/giờ); 01 lò hấp ướt do Sở Y tế trang bị kết hợp nghiền, cắt nhỏ với công suất là 20kg/giờ đến 40kg/giờ, tổng cộng 02 lò hoạt động tối đa cũng chỉ xử lý được 320kg/ngày. Mặc dù 02 lò hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu xử lý lượng lớn rác thải hàng ngày của bệnh viện. Mặt khác lò đốt rác thủ công hiện tại (được đầu tư xây dựng từ năm 2008) đã xuống cấp, không đảm bảo quy chuẩn về bảo vệ môi trường.

Ảnh: Trung tâm Y tế Hữu Lũng đưa vào thử nghiệm lò đốt rác với công suất 70kg/giờ theo công nghệ mới
Để giải quyết triệt để vấn đề rác thải y tế cũng như để phục vụ công tác thu gom xử lý rác thải y tế sau này khi Trung tâm y tế huyện Hữu Lũng được mở rộng lên 350 giường bệnh và hỗ trợ xử lý rác thải y tế của các khu vực lân cận như huyện Chi Lăng...; Trung tâm Y tế Hữu Lũng đầu tư thêm 01 lò đốt rác công suất đốt 70kg/giờ theo công nghệ mới, đạt Quy chuẩn về khí thải ra môi trường đã được UBND huyện thẩm định và phê duyệt. Nguồn kinh phí từ nguồn vốn ngân sách huyện Hữu Lũng và các nguồn vốn hợp pháp khác.Lò đốt rác thải mới đang trong quá trình thi công lắp đặt bởi Công ty Cổ phần tư vấn và xây dựng Nhật Nhật.Lò đốt có hệ thống sấy tích hợp, có hệ thống thu hơi nước (từ rác ẩm) của buồng sấy qua hệ thống xử lý khói, thu tách được bụi. Lò đốt có chức năng giảm nhiệt nhanh,hấp thụ khí độc, dập bụi tinh. Các cửa cấp rác, cấp khí, cửa kỹ thuật được chế tạo chắc chắn, bảo đảm kín khít, thao tác thuận lợi.
Lò đốt rác công suất lớn khi được đưa vào sử dụng sẽ giải quyết được triệt để hơn lượng rác thải y tế hàng ngày của Trung tâm Y tế Hữu Lũng, xử lý các chất độc hại sản sinh trong quá trình đốt rác, loại bỏ các yếu tố có hại từ rác thải y tế giúp ngăn ngừa các tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh./.
Linh Trang


Bài viết liên quan

Hợp tác chuyên môn