Những điều mẹ bầu cần biết về đái tháo đường thai kỳ

 Cụm từ “đái tháo đường thai kỳ” có thể các mẹ đều nghe đến nhưng để hiểu được mức độ nguy hiểm về tình trạng này như thế nào thì vẫn còn rất băn khoăn và lúng túng. Đái tháo đường thai kỳ thường không có biểu hiện rõ ràng, nhưng nếu rối loạn này không được phát hiện sớm, kiểm soát tốt sẽ gây những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Các mẹ bầu dễ bị đái tháo đường thai kỳ
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên khi mang thai. Tình trạng này thường không có triệu chứng nên khó phát hiện và sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh.
Những đối tượng thai phụ có nguy cơ cao bị đái tháo đường thai kỳ như:
- Thai phụ có tiền sử sản khoa bất thường trong quá trình mang thai lần trước như thai chết lưu, sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân ...
- Gia đình trực hệ có người bị đái tháo đường ví dụ anh, chị, em, bố, mẹ, ông, bà bị đái tháo đường.
- Thai phụ có tiền sử sinh con to trên 4kg
- Thai phụ tuổi càng cao trên 35 tuổi trở lên thì nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ càng tăng.
- Buồng trứng đa nang,...
Giai đoạn phát hiện tầm soát đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ thường xuất hiện vào tuần 24 - 28 của thai kỳ do thời điểm này các hooc-mon rau thai có khả năng kháng insulin được tiết ra nhiều nhất. Do đó khuyến cáo các thai phụ có nguy cơ mắc Đái tháo đường thai kỳ nên đi khám sàng lọc bệnh trong khoảng tuần 24 - 28, nếu phát hiện bệnh trong thời gian này có nhiều lợi ích khi can thiệp.
Tiêu chuẩn nhận biết đái tháo đường thai kỳ
Để chẩn đoán thai phụ có mắc đái tháo đường thai kỳ dựa vào nghiệm pháp tăng đường huyết, thai phụ không ăn ít nhất 8 giờ đến cơ sở y tế được lấy máu xét nghiệm đường huyết (lúc đói), sau đó thai phụ được cho uống 75gr Glucose và lấy máu xét nghiệm đường huyết ở thời điểm 1 giờ và 2 giờ sau uống. Thai phụ được chẩn đoán bị đái thao đường thai kỳ khi có ít nhất 1 kết quả thỏa mãn sau:
  • Đường máu khi đói trên 5,3 mmol/l.
  • Đường máu ở thời điểm 1 giờ trên 10 mmol/l.
  • Đường máu ở thời điểm 2 giờ trên 8,6mmol/l.
Nguy cơ khi bị đái tháo đường thai kỳ đối với thai phụ và thai nhi
Đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra các bất thường cho thai nhi như: thai dị tật, sảy thai, thai chết lưu, đường máu của mẹ tăng cao dẫn đến trường hợp con to quá trình chuyển dạ khó khăn có thể gây sang chấn cho em bé, các tình trạng bệnh lý về phổi, đứa trẻ sinh ra dễ bị béo phì, đái tháo đường trong tương lai. Đối với thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ dẫn đến các tình trạng bệnh lý như bị tăng huyết áp thai kỳ, đa ối, sản giật, sảy thai, tình trạng bội nhiễm và nhiều bệnh lý không mong muốn.
Cách dự phòng và hạn chế hậu quả của đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường trong thai kỳ hầu hết có thể điều trị bằng chế độ ăn uống và luyện tập thể dục nhẹ nhàng không cần dùng thuốc có thể kiểm soát được, phải được theo dõi đường máu nhiều lần trong quá trình khám thai định kỳ. Một số trường hợp đường máu quá cao thì cần phải điều trị bằng thuốc insulin. Chế độ ăn cân bằng các chất dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng. Lưu ý về nguyên tắc không sử dụng đường hấp thụ nhanh cũng như giảm bớt tinh bột trong chế độ ăn. Trong quá trình mang thai tăng cường vận động nếu như thai phụ không có bệnh lý cần hạn chế vận động,... Những trường hợp cần dùng thuốc insulin, thai phụ phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và chỉ định dùng thuốc về loại thuốc, liều dùng .... Thai phụ sẽ được bác sĩ hướng dẫn cụ thể trong quá trình thăm khám để được điều trị đái tháo đường phù hợp với từng người một cách hợp lý nhất./.
Sưu tầm: Nguyễn Linh Trang

Hợp tác chuyên môn