Tăng cường phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ và chủ động triển khai phòng, chống dịch trong mùa tựu trường

Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút đậu mùa khỉ gây ra với các biểu hiện tương tự bệnh đậu mùa nên được gọi là bệnh đậu mùa khỉ.
Bệnh có thể lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc gần với người có triệu chứng, bao gồm Tiếp xúc trực tiếp da với da, tiếp xúc mặt đối mặt, tiếp xúc miệng với da; miệng với miệng; Chạm vào chăn, gối, ga giường, khăn tắm, quần áo hoặc vật dụng của người nhiễm bệnh. Ngoài ra, bệnh còn lây truyền từ động vật nhiễm bệnh sang người qua vết cắn hoặc vết xước, khi ăn thịt sống. Thời gian ủ bệnh dao động từ 5 đến 21 ngày, thông thường từ 6 đến 13 ngày.
Bệnh bắt đầu với các biểu hiện như sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ và đau bụng, sưng hạch, yếu sức, sau 1 đến 3 ngày nổi phát ban mẩn ngứa, thường bắt đầu nổi mụn mủ trên mặt và sau đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể như lòng bàn tay, lòng bàn chân, bộ phận sinh dục. Mụn tiến triển từ mụn nước thành mụn mủ và vỡ ra, đóng vảy, để lại sẹo. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ và tự khỏi sau 2 đến 3 tuần. Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai và người suy giảm miễn dịch.

Ảnh: Nguồn thông tấn xã Việt Nam
Nhằm tăng cường các biện pháp ngăn chặn, phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ có nguy cơ lây lan trong cộng động, trong thời gian tới học sinh tại các trường bắt đầu tựu trường, Trung tâm Y tế Hữu Lũng chỉ đạo các khoa, phòng, trạm Y tế xã thực hiện theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.
Đơn vị triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi.
Thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh; rà soát bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, thiết bị, nhân lực... đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.
Chủ động, phối hợp với Phòng giáo dục và đào tạo huyện cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo phòng bệnh cho người dân; tăng cường truyền thông khuyến khích, vận động các gia đình, phụ huynh đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch và hướng dẫn việc theo dõi tình hình sức khoẻ để tăng cường, bảo vệ sức khoẻ cho trẻ em, học sinh trước khi quay lại trường học. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở để khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để bảo vệ sức khỏe. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng, chống dịch, nhất là tại khu vực ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ bùng phát dịch và các địa bàn chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1.  Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay
3.  Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
4. Tránh tiếp xúc gần với nguười mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có nguười mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời, không tự ý điều trị.
5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở lại về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn
 6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe./.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang

Hợp tác chuyên môn