Trung tâm Y tế Hữu Lũng triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván bạch hầu cho học sinh 7 tuổi tại các trường tiểu học trên địa bàn huyện

Căn cứ Kế hoạch số 115/KH-SYT ngày 10/11/2024 của Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn về Triển khai tiêm vắc xin Uốn ván – Bạch hầu, Trung tâm Y tế Hữu Lũng xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván - bạch hầu hấp phụ (Td) năm 2024 nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng.
Thời gian tiêm vắc xin dự kiến triển khai từ tháng 11/2024, Trung tâm Y tế tổ chức lập danh sách trẻ đủ 7 tuổi đang theo học lớp 2 tại các trường tiểu học trên địa bàn huyện niên học 2024-2025, trẻ đủ 7 tuổi tại cộng đồng và các trường hợp trẻ hoãn tiêm trên 24 xã, thị trấn để rà soát tiêm chủng vắc xin phòng bệnh uốn ván bạch hầu hấp phụ (Td). Tổng số trẻ dự kiến được tiêm là 2.672 trẻ. Tùy thuộc vào tình hình thực tế, các xã có thể triển khai thông báo thời gian, địa điểm tiêm chủng tại trạm y tế hoặc trường học.
Tiêm chủng vắc xin bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi tại trạm Y tế xã Minh Sơn
Hiện nay, vắc xin có chứa thành phần phòng bệnh uốn ván, bạch hầu đã được sản xuất trong nước và có thể sử dụng cho đối tượng người lớn và trẻ em từ 7 tuổi trở lên. Triển khai vắc xin phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi có vai trò quan trọng giúp củng cố miễn dịch của trẻ chủ động phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu, uốn ván tại các vùng nguy cơ cao.
Để đảm bảo công tác An toàn tiêm chủng, Trung tâm Y tế Hữu Lũng khuyến cáo tới các gia đình, bậc phụ huynh cần thực hiện như sau:
Trước tiêm chủng: Cha mẹ đưa trẻ đi tiêm vắc xin, cung cấp thông tin cho cán bộ y tế khám sàng lọc về tình trạng sức khỏe của trẻ, tiền sử tiêm chủng (mang theo sổ/phiếu tiêm chủng nếu có), Thông báo phản ứng sau tiêm chủng của trẻ ở lần tiêm chủng trước để cán bộ y tế có chỉ định tiêm chủng phù hợp cho trẻ. Cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi đi tiêm chủng.
Trong khi tiêm chủng: Cho trẻ ngồi đúng tư thế theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Với những trẻ có tâm lý lo lắng, sợ tiêm chủng thì cần có thầy cô giáo hoặc cha mẹ tư vấn, động viên để trẻ an tâm khi được tiêm chủng.
Sau tiêm chủng: Cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm để cán bộ y tế theo dõi phản ứng sau tiêm chủng. Tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng. Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao (trên 39°C), co giật, phát ban, tím tái, khó thở, sưng đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Linh Trang

Hợp tác chuyên môn