Những điều cần biết khi bị ngộ độc thủy ngân

    Có rất nhiều sự cố về hóa chất độc hại bị đổ ra ngoài môi trường được báo chí đưa tin nhưng ít được người dân quan tâm tới. Chỉ sau vụ cháy nổ tại công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông làm phát tán thủy ngân ra ngoài gây ô nhiễm môi trường không khí lại khiến cho người dân lo ngại vì công ty nằm ngay trong khu vực sinh sống của người dân. Sự nguy hại của thủy ngân đến sức khỏe người dân như thế nào thì nhiều người chưa thể hình dung ra được. Qua vụ việc này, người dân mới nhận ra rằng việc nắm bắt, cập nhật kiến thức cơ bản để nhận biết các triệu chứng và cách xử lý khi bị ngộ độc thủy ngân là rất cấp thiết, vô cùng quan trọng.
Tính chất của thủy ngân là một kim loại nặng có ánh bạc, có dạng lỏng ở nhiệt độ thường
Thủy ngân là một kim loại nặng có ánh bạc, một nguyên tố kim loại được biết có dạng lỏng ở nhiệt độ thường. Thủy ngân được sử dụng trong một số nhà máy, hóa chất hay kể cả trong nhiều vật dụng thiết yếu như nhiệt kế, huyết áp kế, bóng đèn…Thủy ngân ở dạng lỏng ít độc, nhưng các hợp chất và muối của nó lại rất độc. Thủy Ngân tuy có điểm sôi ở trên 300 độ C (chính xác là 356.73°C, 674.11°F) nhưng chúng có thể bốc hơi vào không khí ở nhiệt độ bình thường và lượng bốc hơi này có thể gây hại cho con người. Nhiệt độ càng nóng thì độ bốc hơi thủy ngân càng cao.
Nguyên nhân gây ngộ độc thủy ngân
Ngộ độc thủy ngân có thể do nhiều nguyên nhân, như hít phải hơi thủy ngân từ nguồn chất đốt sinh qua các hoạt động con người tạo ra chẳng hạn như các nhà máy điện đốt than, lò đốt rác phát tán thủy ngân có trong khí quyển.  Các hoạt động sản xuất vàng, sản xuất kim loại màu, sản xuất xi măng, xử lý chất thải, hỏa táng của con người, sản xuất gang và thép. Với các nguồn tự nhiên như núi lửa chịu trách nhiệm cho nửa còn lại. Hợp chất thủy ngân vô cơ có thể được tìm thấy trong pin, thuốc uống, thuốc mỡ, thuốc xịt muỗi và một số loại thuốc có nguồn gốc thảo mộc. Ngộ độc thủy ngân một phần do nuốt phải thủy ngân, hay bị ngộ độc mạn do ăn phải hải sản có hàm lượng thủy ngân hữu cơ cao,... Tiêu thụ thịt cá voi và cá heo là một nguồn gây ngộ độc thủy ngân ở mức độ cao.
Đối tượng dễ bị ngộ độc thủy ngân và tác hại tới sức khỏe
Có 2 nhóm đối tượng rất nhạy cảm với tác động của thủy ngân là thai nhi và người phơi nhiễm mãn tính.
Thai nhi là đối tượng đầu tiên dễ bị ảnh hưởng nhất. Phơi nhiễm cấp tính thủy ngân trong bụng mẹ có thể là hậu quả do việc ăn cá và động vật giáp xác của người mẹ. Nhiễm độc thủy ngân cấp tính gây ảnh hưởng xấu đến não bộ và hệ thần kinh đang phát triển của em bé. Ảnh hưởng sức khỏe đối với thai nhi là làm suy giảm sự phát triển thần kinh. Cụ thể, khả năng tư duy, nhận thức, trí nhớ, sự chú ý, khả năng ngôn ngữ, các kỹ năng liên quan đến không gian và thị giác của trẻ đều có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đối tượng thứ hai là những người thường xuyên tiếp xúc (phơi nhiễm mãn tính) với thủy ngân trong thời gian dài (như những người sinh sống dựa vào nghề đánh bắt cá, những công nhân làm trong nhà máy hoặc các hộ dân cư xung quanh khu công nghiệp, gần khu vực xả thải).
Các triệu chứng để nhận biết ngộ độc thủy ngân
Các triệu chứng khi bị ngộ độc thủy ngân như run rẩy, mất khả năng điều hòa vận động,
thay đổi tính cách, mất trí nhớ, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, giảm cân,
căng thẳng tâm lý, buồn bã, viêm lợi, kém ăn.
Một khi tiếp xúc với cơ thể, thủy ngân được hấp thụ gần như hoàn toàn vào máu và phân phối tới mọi mô bao gồm bộ não. Nó cũng truyền qua nhau thai đến thai nhi và não thai nhi. Dấu hiệu đầu tiên của việc nhiễm độc thủy ngân là hiện tượng tê và đau nhói ở môi, ngón tay và ngón chân, gọi là chứng dị cảm. Việc tiếp xúc với thủy ngân trong thời gian dài dẫn đến run rẩy, mất khả năng điều hòa vận động, thay đổi tính cách, mất trí nhớ, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, giảm cân, căng thẳng tâm lý, buồn bã, viêm lợi, kém ăn. Các triệu chứng này xảy ra khi một người tiếp xúc với nồng độ thủy ngân trong không khí trên 50 microgram/m³. Các triệu chứng ngộ độc thủy ngân cấp tính tùy thuộc vào thời gian, nồng độ và dạng ngộ độc.
Cách xử lý khi thủy ngân tràn ra ngoài và bị ngộ độc
Xử lý ban đầu ngộ độc thủy ngân cần phải nhanh chóng đánh giá tình trạng hô hấp, tuần hoàn của nạn nhân. Nhanh chóng ra xa khu vực có nguy cơ phơi nhiễm với thủy ngân, tránh trường hợp thủy ngân bay hơi tan trong không khí làm hại phổi. Nên thay toàn bộ quần áo đề phòng trường hợp thủy ngân dính vào người. Cần rửa sạch tay bằng xà phòng và nước hoặc rửa mắt bằng nước muối sinh lý. Để làm sạch quần áo dính thủy ngân, nên ngâm nước lạnh và nước xà phòng ở nhiệt độ 70-80 độ C, ngâm tiếp 20 phút ở nhiệt độ cao trong nước pha chất tẩy rồi mới xả bằng nước.
Khi nuốt phải thủy ngân, không nên tìm mọi cách lấy thủy ngân ra như móc họng hoặc nôn, không rửa dạ dày do nguy cơ thủng dạ dày và thủng thực quản… Cần bình tĩnh để giải quyết không hoảng loạn. Hãy uống thật nhiều nước và lập tức đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ có biện pháp can thiệp, giải độc kịp thời. Trường hợp ngộ độc thủy ngân vô cơ cần được truyền dịch ngăn ngừa trụy tim mạch.
Thu dọn hạt thủy ngân trên sàn bằng cách đeo găng tay, dùng bông tăm ướt hay giấy mỏng đặt sát xuống nền để gạt thủy ngân vào. Sử dụng lưu huỳnh dạng bột có thể xử lý cho sự cố tràn thủy ngân. Lưu huỳnh kết hợp với thủy ngân tạo ra một hợp chất rắn dễ dàng loại bỏ khỏi bề mặt hơn. Thủy ngân sau khi được thu gom xong phải để trong hộp kín, tránh đổ thủy ngân xuống cống vì có thể làm ô nhiễm nguồn nước.
Biện pháp phòng tránh ngộ độc thủy ngân
    Để phòng tránh trẻ nuốt phải thủy ngân tại nhà, các bậc phụ huynh cẩn thận với vị trí cất giữ nhiệt kế thủy ngân không đặt trên bàn, ghế, kệ trong tầm nhìn, tầm với của trẻ. Không cho trẻ chơi nghịch với nhiệt kế. Khi đo nhiệt độ cho trẻ, người lớn luôn bên cạnh và quan sát trong suốt thời gian đo cho đến khi có kết quả nhiệt độ. Cất giữ nhiệt kế trong tủ cao có khóa hoặc chốt cài cẩn thận.
    Hãy bảo vệ các thành viên trong gia đình bằng những dụng cụ y tế an toàn hơn như sử dụng máy đo huyết áp điện tử, nhiệt kế điện tử. Điều quan trọng là nên sử dụng những sản phẩm được các cơ quan y tế, tổ chức có uy tín chứng nhận về chất lượng.
Loại bỏ, thu hồi và xử lý các sản phẩm chứa thủy ngân như pin, sản phẩm làm sáng da và một số loại mỹ phẩm, dược phẩm, ...
Ngộ độc thủy ngân không có cách thải độc tự nhiên hay thải độc tại nhà. Người bị nhiễm độc hay có nguy cơ bị nhiễm độc cần khám sức khỏe tại các cơ sở y tế để xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân sớm giúp chẩn đoán chính xác, điều trị thải độc kịp thời nếu cần thiết. Một số xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân được sử dụng để kiểm tra mức thủy ngân trong cơ thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu: xét nghiệm máu cho biết bạn có tiếp xúc với thủy ngân trong những ngày qua hay không. Tuy nhiên, nồng độ thủy ngân trong máu của một số loại thủy ngân sẽ giảm nhanh chóng trong vòng từ 3-5 ngày.
- Xét nghiệm nước tiểu: Trong khoảng thời gian vài tháng, mức độ thủy ngân trong nước tiểu cũng giảm.
- Xét nghiệm tóc: xét nghiệm tóc có thể cho thấy dấu hiệu tiếp xúc với thủy ngân dài hạn.
     Nếu muốn kiểm tra mức thủy ngân trong cơ thể, người dân nên đến khám tại các cơ sở y tế, báo cho bác sĩ biết về thời gian bạn tiếp xúc với các nguồn thủy ngân cũng như các triệu chứng bất thường nào của cơ thể mà bạn gặp phải. Dựa trên thời gian tiếp xúc cũng như các triệu chứng, bác sĩ sẽ xác định xem bạn nên thực hiện xét nghiệm máu, nước tiểu hay tóc sẽ có hiệu quả tốt nhất./.
Sưu tầm: Nguyễn Linh Trang

Hợp tác chuyên môn