Hiểu biết về bệnh vảy nến


          Vảy nến là một bệnh mạn tính, diễn biến bệnh lâu dài, có thể khỏi một thời gian dài nhưng cũng có nhiều trường hợp tái phát liên tục. Bệnh vảy nến không gây chết người nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Ảnh: nguồn internet
          Các thương tổn da có thể rải rác vài tổn thương cho đến lan toả toàn thân. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi ngoài 20, có thể gặp ở người lớn tuổi ngoài 50, đôi khi ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi và nếu ở tuổi này thì thường có yếu tố gia đình với biểu hiện bệnh nặng hơn, kéo dài hơn. Tỷ lệ bệnh ở nam và nữ như nhau.
          Biểu hiện bệnh vảy nến
          Thường gặp nhất là vảy nến thể thông thường. Các sẩn hoặc mảng sẩn màu đỏ tươi hoặc đậm, ranh giới rõ, trên có vảy da màu trắng bạc. Các vảy này bong ra dễ dàng thành từng lá vảy da màu trắng bạc. Khi cạo nhẹ vảy bong ra để lại ở dưới những đốm máu nhỏ. Các sẩn hoặc đám thương tổn nhỏ tụ lại thành mảng lớn. Các thương tổn có thể có ở toàn thân nhưng có một số vị trí rất hay gặp là đầu, ngón tay, bàn tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, mông và cẳng chân.
          Một đặc điểm quan trọng của bệnh là thường đối xứng hai bên cơ thể, mặt ít khi bị tổn thương. Một số người bệnh chỉ bị tổn thương ở đầu hoặc bàn tay-bàn chân. Bệnh ở da đầu có đặc điểm là nhiều vảy da bong, không gây rụng tóc, hay ngứa và vảy da bong liên tục. Trái lại, các thương tổn vảy nến ở kẽ mông, sinh dục thì lại có ít vảy da do vùng da đó ẩm ướt. Móng tay, móng chân bị tổn thương với biểu hiện móng bị tách, móng sùi dễ gãy, có các vết rỗ trên móng. Nhiều trường hợp gây tổn thương, biến dạng móng và khớp để lại di chứng trầm trọng cho người bệnh.
          Cơ chế sinh bệnh
          Vảy nến bao gồm yếu tố gen di truyền, rối loạn yếu tố miễn dịch, và các yếu tố từ môi trường. Yếu tố di truyền, nếu bố hoặc mẹ bị bệnh thì có khoảng 8% con bị bệnh, nếu cả bố và mẹ bị bệnh thì tới 41% con mắc bệnh. Các yếu tố có thể làm bệnh nặng hơn như gãi, chà sát mạnh. Nhiễm trùng mà thường là nhiễm liên cầu. Các stress tâm lý, các thuốc chống sốt rét, … có thể làm nặng bệnh. Rượu cũng là tác nhân làm cho bệnh nặng lên.
          Điều trị bệnh vảy nến
          Điều trị bệnh cần phải cân nhắc về tuổi, thể bệnh, vị trí thương tổn, diện tích da bị bệnh, các phương pháp và các thuốc đã sử dụng. Người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để chẩn đoán xác định bệnh, cho chỉ định điều trị ban đầu. Trường hợp thương tổn da chỉ chiếm <5% diện tích da cơ thể thì người bệnh có thể điều trị tại y tế cơ sở theo chỉ định ban đầu của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
          Việc điều trị cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa bác sĩ chuyên khoa da liễu và người bệnh để có thể tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất, hiệu quả, ít tác dụng phụ và phù hợp với hoàn cảnh người bệnh về kinh tế, công việc và gia đình, xã hội.
          Việc tự ý dùng thuốc không chỉ làm cho bệnh vảy nến nặng lên mà còn dẫn đến các bệnh lý nội khoa nghiêm trọng khác, hay gặp nhất là suy tuyến thượng thận, viêm gan do thuốc hoặc suy gan, suy thận do thuốc, đái tháo đường týp II…Bệnh nhân có thể đến khám và tư vấn tại Trung tâm y tế Hữu Lũng để nhận được sự tư vấn tốt nhất
          Cách chăm sóc người bệnh vảy nến
- Cố gắng không gãi, xoa dịu da bằng cách ngâm nước ấm trong 5 – 15 phút – Cách trị vảy nến đơn giản, an toàn và dễ thực hiện để giảm số lượng vảy bong và cải thiện thẩm mỹ da, bệnh nhân nên ngâm nước ấm hoặc tắm bằng nước ấm hàng ngày.
- Không hút thuốc và hạn chế các loại đồ uống có cồn vì Hút thuốc có thể khiến bệnh vẩy nến trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tắm nắng cho da từ 5 – 10 phút trong khung giờ 7:00 – 9:00 sáng vì các tia cực tím (UVA, UVB) trong ánh sáng mặt trời có thể làm chậm sự tăng trưởng của tế bào da, thực hiện đều đặn giúp cung cấp vitamin D tự nhiên cho làn da. Vitamin D giúp tăng khả năng miễn dịch của da, nhờ vậy có thể hạn chế tình trạng da bị tổn thương và kích ứng với các yếu tố bên ngoài.
- Hạn chế căng thẳng bằng cách tập yoga, thiền, hít thở sâu và ngay cả việc đi bộ nhẹ nhàng cũng có thể khiến nhiều người trở nên bình tĩnh, thư thái hơn. Căng thẳng có thể khiến cho bệnh vẩy nến và tình trạng ngứa ở da trở nên tồi tệ hơn.
- Cần chú ý vệ sinh da sạch sẽ. Không tự chữa mẹo tại nhà, không tự ý sử dụng nguyên liệu dân gian chưa được làm sạch hoàn toàn, không có tư vấn của bác sĩ chuyên khoa da liễucó thể khiến da bị kích ứng và có nguy cơ viêm nhiễm cao./.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang

Hợp tác chuyên môn