Viêm gan B và thai nghén
Viêm gan là bệnh nhiễm trùng thường gặp và nguy hiểm do virus viêm gan gây ra, trong đó có vi rút viêm gan B.Tổn thương chủ yếu là gây viêm và làm hỏng tế bào gan.
Bệnh tản phát quanh năm và gặp ở mọi lứa tuổi.
Bệnh viêm gan vi rút là một trong các yếu tố nguy cơ cao của thai nghén.
Vì vậy chúng ta cần hiểu được sự lây truyền, các biểu hiện và cách dự phòng viêm gan B. Về nguồn lây:
Bao gồm người bệnh và người lành mang vi rút.
Về đường lây và Ảnh hưởng của viêm gan virus đối với thai nghén:
Bệnh viêm gan B lây truyền qua đường máu, đường tình dục và lây từ mẹ sang con.
Đối với phụ nữ nhiễm vi rút viêm gan B, khi mang thai và sinh con vi rút B có thể truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai (tỷ lệ thấp), trong cuộc đẻ hoặc trong thời kỳ hậu sản thông qua việc trẻ bú mẹ. Nếu không được dự phòng tốt thì gần 85% số trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm vi rút viêm gan B sẽ bị lây bệnh từ mẹ. Ngoài ra đối với phụ nữ mang thai bị nhiễm vi rút viêm gan B còn có thể bị sảy thai, thai chết trong tử cung, tăng nguy cơ đẻ non, tăng nguy cơ chết thai, nguy cơ chảy máu lúc sổ thai do rối loạn đông máu ở các sản phụ bị viêm gan có suy giảm chức năng gan. Tỷ lệ teo gan cấp có thể xảy ra ở 20% các trường hợp thai nghén mắc viêm gan B cấp dẫn tới hôn mê và chết.
Biểu hiện của nhiễm vi rút viêm gan B
Dấu hiệu ban đầu sau khi nhiễm vi rút viêm gan B:
Đa số người nhiễm vi rút viêm gan B không có triệu chứng, một số ít có thể có các triệu chứng không đặc hiệu như:
- Mệt mỏi
- Sốt nhẹ
- Rối loạn tiêu hóa: Chán ăn, đắng miệng, sợ thịt, sợ mỡ; có cảm giác đầy bụng, đau tức vùng trên rốn hoặc mạng sườn phải; đi ngoài phân lỏng hoặc táo.
- Đi tiểu ít hơn, nước tiểu ít và sẫm màu.
- Có thể có dấu hiệu giả cúm (nhức đầu, đau mỏi cơ đau khớp)
Có trên 80% người nhiễm vi rút viêm gan B không phát bệnh gọi là người lành mang vi rút, những người này có vi rút trong cơ thể nhưng không có biểu hiện bị bệnh nhưng vẫn có thể lây truyền sang cho người khác. Khoảng 20% số người nhiễm vi rút bị phát bệnh viêm gan hay còn gọi là nhiễm vi rút viêm gan B thể tiến triển.
Bệnh viêm gan do vi rút viêm gan B tiến triển âm thầm, giai đoạn đầu thường không có biểu hiện ra bên ngoài đến khi bệnh nặng sẽ có biểu hiện vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu vàng ...bệnh có thể dẫn tới sơ gan, ung thư gan.
Cách phát hiện viêm gan B
Do bệnh viêm gan B tiến triển âm thầm, ít có triệu chứng và khi có triệu chứng thì bệnh đã ở giai đoạn nặng nên cách tốt nhất để phát hiện bệnh là xét nghiệm máu phát hiện vi rút và xác định tình trạng viêm gan.
Cách dự phòng:
Để phòng bệnh viêm gan B chúng ta cần
- Không dùng chung bơm kim tiêm.
- Quan hệ tình dục lành mạnh.
- Nên chủ động khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm tìm vi rút viêm gan B 6 tháng một lần, hoặc khi mới có các dấu hiệu nghi bệnh để phát hiện sớm và được tư vấn chế độ chăm sóc và điều trị phù hợp.
- Khi mang thai phải được quản lý và chăm sóc thai nghén tại các cơ sở Y tế; được xét nghiệm phát hiện viêm gan B.
- Cách phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất là: Tiêm Vắc xin phòng Viêm gan B
+ Trẻ sơ sinh cần được tiêm vắc xin phòng Viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu. Tiêm nhắc lại sau đó theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Nguyễn Ái Liên