Hiểu biết về khám thai – Chăm sóc thai nghén

          Thai nghén là một trạng thái sinh lý bình thường, nhưng có thể chuyển sang trạng thái bệnh lý ở bất kỳ tuổi thai nào.     
          Để có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn, người phụ nữ cần phải khám theo dõi thường xuyên trong suốt thai kỳ. Chăm sóc thai nghén đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Quản lý và chăm sóc thai nghén thường xuyên để theo dõi sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai, phát hiện kịp thời các nguy cơ cao, xử trí kịp thời.

Ảnh: nguồn internet
          Khám thai định kỳ
          Khám thai định kỳ rất cần thiết và quan trọng trong suốt thai kỳ của bạn. Khám thai định kỳ sẽ mang lại những lợi ích sau: 
- Giúp mẹ bầu nắm rõ sự phát triển của thai nhi thông qua các lần khám thai.
- Được bác sĩ sản khoa tư vấn về các vấn đề thường gặp trong thai kỳ như chế độ dinh dưỡng hoặc một số điều cần tránh khi mang thai để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.
- Một số xét nghiệm chỉ có thể chính xác ở một khoảng thời gian nhất định của thai kỳ, vì vậy thai phụ nên đi khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ. 
          Mỗi phụ nữ mang thai cần được quản lý thai và đi khám thai ít nhất 4 lần trong thai kỳ.
          - 1 lần trong 3 tháng đầu
          - 1 lần trong 3 tháng giữa
          - 2 lần trong 3 tháng cuối
          Tuy nhiên cũng tùy vào từng thai phụ các bác sĩ sẽ hẹn khám theo lịch cụ thể.
Khám thai lần 1 khi có thai trong 3 tháng đầu
          - Xác định được có thai sớm, thai bình thường để quản lý
          - Phát hiện sớm thai bất thường để điều trị
          - Kiểm tra sức khỏe của thai phụ
          - Được hướng dẫn về các dấu hiệu bất thường và cách xử trí
          - Được tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh: phát hiện bất thường ở thai nhi và trẻ sơ sinh.
          - Tư vấn các xét nghiệm cần thiết: phát hiện sớm các bệnh lây nhiễm bao gồm cả HIV để dự phòng sớm lây truyền từ mẹ sang con.
          - Hướng dẫn tiêm phòng các loại vắc xin và uống bổ sung viên sắt
          - Dự kiến ngày sinh, tư vấn lựa chọn nơi sinh.
Khám lần 2 khi có thai trong 3 tháng giữa
          - Biết được sự thích nghi của người mẹ với thai nghén, kiểm tra sức khỏe của mẹ.
          - Kiểm tra thai nhi có phát triển bình thường không
          - Điều trị những trường hợp thai nghén bất thường
          - Làm xét nghiệm, tư vấn về vệ sinh thai nghén, chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý
          - Giám sát thực hiện tiêm phòng uốn ván và uống viên sắt.
Khám lần 3 và lần 4 khi thai trong 3 tháng cuối
          - Tiếp tục theo dõi sự phát triển của thai, xác định ngôi, thế,…
          - Phát hiện các nguy cơ cao như nhiễm độc thai nghén, rau tiền đạo, khung chậu bất thường, các ngôi thai bất thường,…
          - Tiên lượng cuộc đẻ
          - Tư vấn cho thai phụ chuẩn bị tinh thần, vật chất cho cả mẹ và em bé trong khi đẻ.
          - Hướng dẫn cách làm mẹ và nuôi con bằng sữa mẹ./.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang

Hợp tác chuyên môn