Điều trị đau mỏi vai gay, tề bì chân tay

Đau mỏi vai gáy tê bì chân tay là tình trạng rất thường gặp, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động và sinh hoạt hàng ngày. Triệu chứng khó chịu này xuất phát từ nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh biến chứng nghiêm trọng.
Đau mỏi vai gáy tê bì chân tay là hai triệu chứng riêng biệt nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, xảy ra khi các cơ vùng vai gáy bị tổn thương, quá trình lưu thông máu và oxy bị ức chế dẫn đến hiện tượng đau nhức.
Tình trạng này thường bị nhầm lẫn là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi cơ căng thẳng, làm việc quá sức và hoàn toàn không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều trường hợp là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn đến chứng teo cơ, bại liệt nếu không điều trị sớm.

Ảnh: Nguồn Internet
          Dấu hiệu nhận biết
Đau mỏi vai gáy tê bì chân tay rất dễ nhận biết thông qua một số triệu chứng thường gặp sau đây:
- Cơn đau vai xuất hiện đột ngột khi làm việc, vận động thể thao, cầm nắm vật nặng, thậm chí là khi ngủ và nghỉ ngơi.
- Người bệnh khó thực hiện cử động cổ, tay, chân vào buổi sáng.
- Vùng vai gáy bị sưng.
- Cánh tay hoặc bàn tay bị yếu, xuất hiện cảm giác mỏi, nặng, tê buốt dọc từ vai xuống cánh tay.
- Đôi lúc người bệnh cảm thấy cơ thể mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt.
- Triệu chứng tê bì lâu ngày làm da bàn tay, bàn chân dần bị khô ráp, tím đen, ngón tay, ngón chân cũng có dấu hiệu teo theo thời gian.
          Nguyên nhân đau mỏi cổ vai gáy
Đau cổ vai gáy tê bì tay chân là triệu chứng thường gặp của hội chứng cổ vai cánh tay, xuất phát từ nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau. Trong đó, một số yếu tố điển hình phải kể đến gồm:
          1. Vấn đề về cột sống
Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chứng đau mỏi vai gáy tê chân tay. Cụ thể, cột sống có chứa hệ thống các dây thần kinh quan trọng. Khi có bất kỳ tổn thương nào xảy ra, những dây thần kinh này đều có nguy cơ bị chèn ép, từ đó biểu hiện ra ngoài với triệu chứng nhức mỏi, đau, tê bì… Một số bệnh lý điển hình thường gặp gồm: Thoái hóa đốt sống, Thoát vị đĩa đệm, Gai cột sống.
Ngoài ra, một số vấn đề bất thường khác liên quan đến cột sống như hẹp ống sống, viêm cột sống dính khớp… cũng đem đến những ảnh hưởng tương tự. Theo đó, những triệu chứng dễ nhận biết nhất gồm: Đau nhói vùng vau gáy như dao đâm, đau âm ỉ hoặc cảm giác bỏng rát, Cơn đau lan tỏa ở cánh tay hoặc chân, Cứng vùng cổ vai gáy, khó cử động, Yếu, tê, ngứa ran ở cánh tay hoặc chân.
          2. Thời tiết thay đổi
Thời tiết chuyển lạnh thường ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu ở bàn tay, vai gáy và bàn chân. Lưu lượng máu suy giảm sẽ có xu hướng làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh lý thần kinh đồng thời gây tổn thương thêm cho các dây thần kinh ngoại vi vốn đã không hoạt động tốt. Từ đó, cơ thể thường dễ xuất hiện cảm giác đau mỏi vùng vai gáy, tê, ngứa ran khắp tay chân.
          3. Chấn thương
Các chấn thương ở vai xảy ra trong sinh hoạt, tập luyện hàng ngày sẽ gây áp lực lên mô mềm. Đặc biệt là khi nhấc cánh tay lên cao, mỏm cùng vai có thể cọ xát vào gân, túi hoạt dịch của vòng quay. Điều này dẫn đến viêm bao hoạt dịch, viêm gân, gây đau, tê bì tay và hạn chế khả năng cử động.
          Phương pháp chẩn đoán
Đối với chứng đau vai gáy tê bì chân tay, ban đầu bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh để có căn cứ xác định nguyên nhân. Sau đó, một số bài kiểm tra thể chất cũng có thể được tiến hành nhằm đánh giá những bất thường tại vị trí tổn thương bao gồm: mức độ sưng tấy, biến dạng, yếu cơ, chấn thương phần mềm… Dưới đây là các phương pháp chẩn đoán thường được chỉ định:
- Chụp X-quang: Kết quả chụp X-quang sẽ cho thấy bất kỳ chấn thương nào đối với xương, khớp vai, chân, tay.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm: Những phương pháp này sẽ tạo ra hình ảnh chi tiết hơn về các mô mềm, giúp bác sĩ xác định được chấn thương liên quan đến gân, dây chằng xung quanh khớp.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Phương pháp này sẽ tạo ra hình ảnh rất chi tiết về xương ở vùng vai, tay, chân.
- Điện cơ đồ (EMG): Phương pháp này được thực hiện để đánh giá chức năng thần kinh.
- Nội soi khớp: Phương pháp này sẽ cho thấy các tổn thương mô mềm chưa được xác định rõ khi khám sức khỏe, chụp X-quang và một số xét nghiệm khác. Ngoài ra, thông qua nội soi, bác sĩ cũng có thể tiến hành chữa trị tổn thương (nếu có).
Hầu hết các trường hợp đau mỏi thông thường do ngồi nhiều, sai tư thế, thay đổi thời tiết… đều có thể cải thiện bằng các phương pháp khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân xuất phát từ chấn thương hoặc vấn đề về xương khớp, người bệnh nên điều trị sớm để tránh bại liệt hoặc teo cơ.
          Cách điều trị đau vai gáy tê tay chân
Tùy theo từng trường hợp và mức độ đau mỏi, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp đối với tình trạng đau mỏi vai gáy tê bì chân tay. Dưới đây là một số phương pháp thường được ưu tiên:
Tạm dừng tất cả các hoạt động tập luyện, làm việc có thể khiến triệu chứng đau mỏi, tê bì trở nên trầm trọng.
Chườm lạnh lên vùng tổn thương trong ba ngày đầu tiên sau khi cơn đau khởi phát, thực hiện tối đa 20 phút/lần và 5 lần/ngày.
Chườm nóng bằng cách sử dụng miếng đệm sưởi ấm hoặc miếng gạc ấm.
Dùng thuốc giảm đau.
Xoa bóp nhẹ nhàng vùng bị đau mỏi.
Thực hành tư thế đúng khi đi, đứng, ngồi, ngủ, làm việc…
Điều trị bằng vật lý trị liệu.
          Biện pháp phòng ngừa
Tình trạng đau mỏi vai gáy tê bì chân tay hoàn toàn có thể được chủ động phòng ngừa ngay từ ban đầu thông qua một số biện pháp hữu ích sau:
Luôn duy trì tư thế đúng khi đi, đứng, ngủ, ngồi, làm việc…
Xoa bóp tay chân hàng ngày để tăng cường quá trình lưu thông máu.
Tập thể dục thường xuyên để cải thiện lưu lượng máu và thể lực.
Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tránh uống quá nhiều rượu.
Nếu tê bì chân tay do thiếu Vitamin, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tiến hành bổ sung hợp lý.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang

Hợp tác chuyên môn