Phòng chống tai nạn thương tích bởi các vật nhỏ sắc nhọn

Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày chúng ta tiếp xúc với rất nhiều  đồ vật có thể gây nguy hiểm với trẻ em, nhất là những vật sắc, nhọn. Do đó các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo hay những người chăm sóc trẻ cần phải chú ý, hướng dẫn trẻ tránh sử dụng những vật dụng sắc nhọn có nguy cơ gây thương tích cho trẻ dù ở nhà hay ở trường.
Hình ảnh tăm nhọn được e kip mổ TTYT Hữu Lũng phát hiện trong ổ bụng của trẻ trong quá trình phẫu thuật
Vừa qua, Trung tâm Y tế Hữu Lũng đã phẫu thuật thành công lấy tăm nhọn từ ổ bụng cho trẻ 5 tuổi do trẻ có biểu hiện đau bụng âm ỉ vùng thượng vị tại hố chậu phải và sốt cao trên 38 độC được đưa vào viện cấp cứu. Qua quan sát khi phẫu thuật, các bác sĩ của Trung tâm Y tế Hữu Lũng thấy ruột thừa ở vùng hỗ chậu phải thâm nhiễm xung quanh, quan sát ở vùng tiểu khung thấy có 1 que tăm dài khoảng 6 cm đâm thủng từ đại tràng sigma trên xuống vùng tiểu khung. Đây là một trong các trường hợp nguy hiểm có thể xảy ra nếu gia đình vẫn còn lơ là khi để trẻ tiếp xúc và sử dụng các vật dụng tuy nhỏ nhưng vô cùng nguy hiểm tới trẻ nhỏ. Rất may chiếc tăm được phát hiện và lấy ra kịp thời trước khi gặp phải các biến chứng nặng nề hơn, sức khỏe của trẻ sau phẫu thuật đã ổn định và được ra viện.
Để tránh được những rủi ro không đáng có xảy ra ở trẻ nhỏ, tránh bị vật sắc, nhọn cắt, đâm và cách sơ cứu khi trẻ bị thương cũng là những thông tin mà các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và người chăm sóc trẻ cần lưu ý. Người dân tham khảo một số những hướng dẫn sau đây để tìm hiểu thêm những thông tin về cách phòng tránh và cách sơ cứu khi trẻ bị thương bởi các vật sắc, nhọn:
1, Chỉ dẫn, giải thích cho trẻ thấy được sự nguy hiểm khi sử dụng hay chơi đùa với hoặc bên cạnh các đồ vật sắc nhọn;
2, Chỉ dẫn, giải thích cho trẻ không được bắt chước người lớn làm các việc có thể gây thương tích như: gọt, cắt trái cây, thái thịt, khâu vá, thêu … mà không có sự hướng dẫn, giám sát của người lớn;
3, Giáo dục, giải thích cho trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm (trèo cây, đấu kiếm, vừa chạy vừa cầm tăm nhọn, que nhọn, cầm đũa, ngậm bút, đũa...);
4, Để ngoài tầm với của trẻ, nhất là trẻ tất cả những vật sắc, nhọn có thể gây thương tích như dao, kéo, dùi đục, kim băng, đinh, các loại vũ khí (súng, kiếm), rìu, cưa, cung nỏ, liềm,…;
5, Bao bọc các đầu, cạnh, nút sắc, nhọn của các đồ vật trong nhà. Hướng dẫn, giám sát kỹ lưỡng trước khi cho trẻ sử dụng kéo thủ công đảm bảo an toàn, phù hợp với lứa tuổi;
6, Dọn dẹp, sắp xếp trong gia đình để tránh cho trẻ dẫm phải hoặc va chạm các gờ, cạnh, vật sắc, nhọn, mảnh vỡ; không cho trẻ chơi các vật sắc, nhọn hoặc chơi ở những nơi có nhiều vật sắc, nhọn như mảnh kính vỡ, đá nhọn, hàng rào có vật nhọn.
Tổng hợp: Linh Trang

Hợp tác chuyên môn