Bệnh Xơ gan - Phòng ngừa bệnh xơ gan hiệu quả

       Bệnh Xơ gan là 1 trong 10 căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, mối nguy ngại cho rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Xơ gan là hậu quả của việc lá gan bị tấn công trong thời gian dài, là tổn thương gan mạn tính dẫn đến tế bào gan bị hư hại, chết dần và tạo ra các mô sẹo, không phục hồi được, làm gan chai cứng dần dần và không thực hiện được những chức năng bình thường của gan.
       Nguyên nhân bệnh xơ gan

Xơ gan do rượu

Xơ gan do rượu xảy ra ở những người thường xuyên uống quá nhiều rượu bia, đồ uống có cồn và tiếp diễn trong nhiều năm. Ban đầu người bệnh sẽ bị viêm gan, sau đó nếu không điều trị nghiêm túc sẽ khiến gan bị xơ. Ở người bị bệnh do rượu, gan sẽ phình to.

Xơ gan do nhiễm virus

Bên cạnh rượu thì virus viêm gan B và viêm gan C cũng là một trong những yếu tố dẫn đến xơ gan. Hay nói đúng hơn, đây là hệ quả của quá trình viêm gan kéo dài và đã trở thành mãn tính. Khác với trường hợp do rượu gây ra, những người bị nhiễm virus có lá gan teo nhỏ hơn bình thường.

Các nguyên nhân gây bệnh khác

Ngoài 2 nguyên nhân chính kể trên (chiếm 90%) thì vẫn còn một số vấn đề khác có thể gây ra bệnh, bao gồm: Ứ mật, ứ đọng máu ở gan kéo dài, nhiễm độc, rối loạn chuyển hóa, nhiễm ký sinh trùng…
Đặc biệt, béo phì cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, vì những người bị béo phì thường có xu hướng bị gan nhiễm mỡ. Nếu không chữa trị cẩn thận, tình trạng này cũng có thể làm gan bị xơ.
         Chẩn đoán bệnh xơ gan
Chẩn đoán bệnh xơ gan qua các biểu hiện bên ngoài của người bệnh: như màu da vàng, sạm đen khi bị nặng, mặt quắt, cổ trướng, ngực lép, bụng trướng mềm, ung thư gan thường căng cứng, đôi khi lồi rốn, chân phù…
Thử máu sinh hoá, định lượng, miễn dịch để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Thử nước tiểu: xác định tổn thương qua thận, sự đào thải của thận qua đường tiểu.
Siêu âm: phát hiện bất thường trong gan, cơ quan nội tạng.
Chụp cộng hưởng từ, cắt lớp xác định mức độ tổn thương gan
         Triệu chứng lâm sàng
        Xơ gan chia làm 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn tiềm tàng (còn bù).
+ Giai đoạn tiến triển (mất bù)
       Giai đoạn xơ gan còn bù: Đây là giai đoạn đầu của bệnh xơ gan, lúc này gan vẫn còn chức năng khá tốt mặc dù đã hình thành các nốt sẹo. Người bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt, có thể chỉ cảm thấy hơi mệt mỏi, không làm việc được lâu, hay chán ăn, buồn nôn và sợ một số thức ăn (đặc biệt là những thức ăn chứa nhiều dầu mỡ). Sau khi ăn thường có cảm giác đầy bụng, khó tiêu. Đôi khi, bệnh nhân thấy đau tức vùng dưới sườn bên phải. Trên da vùng ngực, lưng và cổ của bệnh nhân có những vết đốm đỏ. Lòng bàn tay có thể bị ửng đỏ, danh từ y học gọi là “lòng bàn tay son”.
Việc phát hiện bệnh trong giai đoạn ban đầu này thường là tình cờ khi đi khám sức khỏe định kỳ, khi làm xét nghiệm tổng quát về chức năng gan, hoặc tình cờ phát hiện qua siêu âm bụng.
        Giai đoạn xơ gan mất bù: Lúc này, gan đã bị hư hoại quá nhiều nên bắt đầu bộc lộ sự suy giảm chức năng. Một số dấu hiệu điển hình: Bụng ngày càng to do ứ nước trong bụng (cổ trướng hay báng bụng). Vùng mắt cá chân có thể bị sưng, phù mềm. Bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, cảm giác bị suy nhược, sút cân nhanh chóng...  Vàng da và vàng mắt, dễ bị bầm ở những chỗ tiêm chích, chảy máu răng, chảy máu cam. Phụ nữ có thể bị rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh, đàn ông có thể bị bất lực. Dưới bờ sườn bên phải có thể sờ thấy gan hơi cứng chắc và dưới bờ sườn bên trái có thể sờ thấy lá lách lớn.

Các biến chứng của xơ gan

     Xơ gan là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Trên thế giới, mỗi năm có hơn 20.000 người chết vì bệnh gan mạn tính và xơ gan. Một trong những biến chứng nguy hiểm thường gặp nhất của bệnh xơ gan là giãn tĩnh mạch. Khi gan bị xơ, dòng máu đi qua gan sẽ bị cản trở dẫn đến áp lực máu tại tĩnh mạch và các hệ nối cửa chủ tăng lên. Điều này sẽ dẫn tới việc tĩnh mạch thực quản và tĩnh mạch phình dạ dày bị kéo giãn. Khi đến một mức độ nào đó, tĩnh mạch sẽ vỡ, khiến cho máu trong cơ thể thoát ra ngoài theo các con đường như nôn ra máu, đại tiện ra máu,... Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng này, đặc biệt là với người bệnh xơ gan, cần đưa đi cấp cứu ngay lập tức để xử lý kịp thời.
Với giãn tĩnh mạch, thực tế hiện nay người bệnh sẽ được điều trị bằng phương pháp truyền thuốc, truyền máu, nội soi dạ dày cấp cứu để thắt hoặc để chích xơ các búi giãn tĩnh mạch. Suy thận xảy ra trên nền xơ gan, y học gọi là “hội chứng gan-thận”. Bệnh nhân đi tiểu ít dần rồi không đi tiểu được nữa, có thể gây tử vong.
      Đối với các bệnh nhân bị xơ gan, nguy cơ thận bị suy giảm chức năng đột ngột là hoàn toàn có thể xảy ra. Thường thì chúng hay xảy ra ở bệnh nhân mắc xơ gan cổ trướng. Cách chữa trị hội chứng gan thận là sử dụng các biện pháp phục hồi gan. Lưu ý là người bệnh không nên sử dụng thuốc lợi tiểu mà nên làm theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên ngành.
       Khi mắc bệnh xơ gan, gan của người bệnh sẽ suy giảm chức năng và không lọc được các chất độc hại dẫn tới việc chuyển các chất độc hại cho thận. Bệnh não gan xảy ra do tác dụng lên não của các chất được gan chuyển hóa. Amoniac là chất độc hại quan trọng nhất. Số lượng amoniac mà gan không chuyển hóa được càng lớn thì bệnh não gan càng nặng. Cách điều trị chủ yếu là giảm lượng amoniac ứ đọng bên trong máu bằng phương pháp hạn chế chất đạm cùng một số phương pháp khác. Hôn mê do suy gan nặng xảy ra khi gan không còn đào thải được các chất độc, các chất độc này sẽ bị ứ lại trong máu, ngấm vào hệ thần kinh và làm rối loạn các hoạt động của não, nặng nhất là gây hôn mê sâu. Bệnh nhân xơ gan có tỷ lệ mắc ung thư gan rất lớn.
       Quá trình điều trị xơ hóa không thể đảo ngược được vì vậy, việc điều trị xơ gan chỉ mang tính chất hạn chế bệnh không tiến triển thêm chứ không thể giúp gan hồi phục lại bình thường.

Phòng ngừa bệnh xơ gan hiệu quả

Để phòng bệnh xơ gan, cần chủ động bảo vệ gan của mình bằng các cách sau:
  • Tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho trẻ em và những người lớn chưa bị bệnh.
  • Tránh ăn thức ăn sống, nên ăn chín uống chín để không bị nhiễm ký sinh trùng.
  • Sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm để phòng ngừa nhiễm hóa chất, phẩm màu độc hại gây tổn hại gan.
  • Không dùng thuốc làm ảnh hưởng gan.
  • Đối với những người đã bị viêm gan B hoặc C mạn tính cần theo dõi định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm những trường hợp viêm gan tiến triển, nhằm hạn chế các biến chứng nặng như xơ gan và ung thư gan.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý gây viêm gan do các nguyên nhân khác như suy tim, tắc mật…
        Bệnh nhân cũng cần chú ý kiêng một số thứ sau để ngăn không cho bệnh biến chuyển nặng hơn như:
Rượu: Để điều trị bệnh, việc đầu tiên cần làm đó là tránh xa rượu – một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh.
Đường: Ăn quá nhiều đường cũng có thể khiến gan bị tổn thương thêm
Muối: Do khi bị tổn thương, gan không thể xử lý được natri trong muối nên những loại thực phẩm này có thể gây sưng phù và tích nước./.

 
Người sưu tầm: Nguyễn Linh Trang

Hợp tác chuyên môn