Phòng tránh nguy cơ đột quỵ não cấp
Đột quỵ não xảy ra khi một mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ, làm một phần não bị tổn thương do không được được cấp máu.Khi tế bào não không có dự trữ oxy, glucose chỉ đủ dùng trong 3 phút. Nếu dòng máu mang oxy và chất dinh dưỡng nuôi não bị cắt đứt vì một lý do nào đó, tế bào não chỉ chịu đựng được trong 3-5 phút sau đó sẽ tổn thương vĩnh viễn.
Ảnh: nguồn Internet
- Chảy máu não: mạch máu não bị vỡ đột ngột do tăng huyết áp quá mức, hoặc vỡ dị dạng mạch có sẵn trong não.
- Nhồi máu não: mạch máu não bị tắc nghẽn bởi huyết khối, huyết khối tại mạch não hay huyết khối từ nơi khác đến não.
Đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao
Những người mắc một trong các bệnh rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp. Người có thói quen có hại cho sức khỏe như hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì và bệnh lý tim mạch.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ
Người bệnh Đột quỵ sẽ bị Hôn mê hoặc rối loạn ý thức đột ngột, một số trường hợp có thể có một trong 3 dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ với sự xuất hiện đột ngột hoặc ngắt quãng như sau:
1. Liệt mặt: khó khăn trong việc cười hoặc nhe răng
2. Liệt tay: cử động tay, giơ 2 tay ra trước
3. Bất thường về lời nói, ý thức: đột ngột nói ngọng, không hiểu lời nói hoặc nói khó, lú lẫn,….
Nếu được cấp cứu kịp thời tùy theo mức độ tổn thương mà bác sĩ sẽ quyết định can thiệp lấy máu tụ hoặc sử dụng thuốc tiêu huyết khối. Bệnh nhân sẽ có cơ hội hồi phục hoàn toàn.
Cấp cứu người bị đột quỵ
Không được chần chờ, khi thấy xuất hiện các triệu chứng nghi bị đột quỵ người bệnh cần được đưa đến viện càng sớm càng tốt.
Khi thấy người bệnh có dấu hiệu bất thường chuẩn bị ngã hãy đỡ người bệnh. Nếu người bệnh tỉnh táo, cần đặt nằm tư thế đầu cao 30 độ để làm giảm áp lực nội sọ. Nếu buồn nôn hãy quay đầu người bệnh về một bên để tránh sặc vào phổi.
Giúp người bệnh nới bớt quần áo, để người bệnh nằm yên tĩnh tránh ồn ào gây kích động. Động viên an ủi người bệnh.
Nếu người bệnh hôn mê sâu, người trợ giúp người bệnh cần kiểm soát đường thở và bình tĩnh làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế sơ cứu cho người bệnh.
Những việc không làm khi chăm sóc người có nguy cơ bị đột quỵ
Không cho người bệnh ăn hay uống khi chưa được phép của nhân viên y tế, phòng tránh nôn và sặc vào phổi. Viêm phổi do sặc là biến chứng nặng nề, điều trị rất khó khăn.
Không xoa bóp, bấm huyệt hoặc dùng kim chọc 10 đầu ngón chân ngón tay, đánh gió, làm những động tác này sẽ kích thích gây đau vô tình làm trầm trọng thêm tình trạng của người bệnh.
Không tự ý dùng aspirin khi chưa có chỉ định của bác sĩ
Không tự uống các loại thuốc khi chưa có ý kiến của các bác sĩ, bởi nguy cơ nôn sặc vào phổi rất cao, chưa kể bạn chưa biết loại tổn thương của người bệnh là nhồi máu hay chảy máu.
Khi có dấu hiệu đột quỵ, đừng cho người bệnh uống thuốc huyết áp khi chưa được do huyết áp và chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Bởi mức huyết áp tăng cao một phần là phản ứng để duy trì áp lực tưới máu não.
Phòng tránh nguy cơ đột quỵ
Áp dụng 5 biện pháp sau sẽ giúp người dân phòng tránh được nguy cơ đột quỵ:
1. Kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả. Những người mắc các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu càng cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây ra đột quỵ.
2. Giữ ấm cơ thể: Cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa. Nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ.
3. Tập thể dục hàng ngày: Tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ.
4. Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định hình thành các bệnh lý này. Ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý là cách phòng tránh đột quỵ hiệu quả. Ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc. Uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành...
5. Không hút thuốc lá: Hút thuốc là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng bị đột quỵ. Thuốc lá còn gây hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Nếu bỏ thuốc lá trong vòng từ 2 - 5 năm, nguy cơ bị đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang