Cách phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 14000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Một số trẻ em nhập viện sốc sốt xuất huyết kèm suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng... 
Sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau và diễn biến phức tạp. Sự khởi phát của bệnh thường khá đột ngột và diễn biến bệnh nhanh chóng từ nhẹ đến nặng qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

1. Giai đoạn sốt

Ở giai đoạn đầu của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, trẻ bị sốt cao đột ngột, liên tục. Trẻ còn nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn thì than đau đầu, cảm thấy chán ăn, buồn nôn, biểu hiện da sung huyết (quan sát thấy có chấm xuất huyết dưới da), đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
Kết quả xét nghiệm máu ở giai đoạn sốt thường không phản ánh rõ ràng. Cụ thể, dung tích hồng cầu đa số là bình thường, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần, trong khi đó lượng bạch cầu thường giảm.

2. Giai đoạn nguy hiểm

Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh, thường rơi vào khoảng ngày thứ 3 - 7 sau khi mắc bệnh. Biểu hiện của sốt xuất huyết ở trẻ vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương (Lượng huyết tương trong máu thoát ra ồ ạt khiến bụng bị chướng to, thường kéo dài trong 24 - 48 giờ, có nguy cơ dẫn đến tử vong).
Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh, ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít; tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp. Đặc biệt, trẻ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, ở phần bụng, đùi, mạng sườn; xuất huyết ở niêm mạc, như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, xuất huyết không phải là biểu hiện bắt buộc của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, bởi vì có thể trẻ tuy mang bệnh nhưng lại hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng xuất huyết. Vì vậy, dù có hoặc không có triệu chứng xuất huyết nếu thấy trẻ sốt không giám sau 2-3 ngày thì cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế khám ngay. Một trong những biến chứng nguy hiểm là trẻ bị sốc, với biểu hiện gồm ba tình trạng suy giảm: giảm tri giác, giảm thân nhiệt và giảm huyết áp.

3. Giai đoạn phục hồi

          Sau giai đoạn nguy hiểm chừng 48 - 72 giờ là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn
Tháng 4 đến tháng 7 hàng năm là thời gian cao điểm của sốt xuất huyết, để phòng bệnh cho trẻ các bậc phụ huynh cần: 
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà tránh nơi tù nước, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến để muỗi không có nơi để trứng. 
+ Mặc quần áo dài tay.  
+ Cho trẻ ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.  
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...  
+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.  
+ Khi có các dấu hiệu bất thường sốt cao không hạ, quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; đau bụng; chảy máu cam, máu răng hoặc nôn ra máu, đi ngoài phân đen, tay chân lạnh,.. Cần chủ động đưa trẻ đến các cơ sở y tế để theo dõi và điều trị cho trẻ.  
Sưu tầm và tổng hợp

Hợp tác chuyên môn