Chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 2 năm 2023 cho trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi.


Vitamin A đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Ngoài việc bổ sung vitamin A qua nguồn thực phẩm, các bậc phụ huynh có thể cho trẻ bổ sung dưới dạng viên nang, nhất là trong 3 năm đầu đời, trẻ cần được uống bổ sung vitamin A liều cao. Cán bộ y tế chuẩn bị sẵn sàng các kiến thức triển khai Chiến dịch trong tháng 12/2023 đảm bảo an toàn, hiệu quả và không bỏ sót đối tượng trong độ tuổi được uống vitamin A trong Chiến dịch theo hướng dẫn, cụ thể như sau:
Cho trẻ uống vitamin A tại TYT xã Thiện Tân
1.1. Cách tính tuổi:
+ Trẻ em từ 6 tháng đến 11 tháng tuổi được tính từ khi trẻ tròn 6 tháng đến 11 tháng và 29 ngày tuổi.
+ Trẻ em từ 6 tháng đến 35 tháng tuổi được tính từ khi trẻ tròn 6 tháng đến 35 tháng và 29 ngày tuổi.
+ Trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi được tính từ khi trẻ tròn 6 tháng đến 59 tháng và 29 ngày tuổi.
1.2. Liều dùng:
Đảm bảo đối tượng được uống đúng theo liều hướng dẫn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2011 như sau:
+ Trẻ từ 6 tháng đến 11 tháng tuổi: Uống 1 viên hàm lượng 100.000 IU/lần, liều duy nhất, uống 4-6 tháng/lần.
+ Trẻ từ 12 tháng đến 35 tháng tuổi: Uống 1 viên hàm lượng 200.000 IU/lần, uống 4-6 tháng/lần.
+ Trẻ từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn gây nguy cơ thiếu Vitamin A (tiêu chảy kéo dài, nhiễm khuẩn hô hấp cấp), trẻ bị suy dinh dưỡng nặng: Nếu trẻ đã được uống Vitamin A theo chiến dịch trong vòng 1 tháng trước đó thì không cho trẻ uống thêm. Nếu trẻ đã được uống Vitamin A theo chiến dịch trên 1 tháng trước đó thì có thể uống thêm 1 liều dự phòng theo độ tuổi.
+ Trường hợp trẻ được chẩn đoán mắc sởi, cần cho trẻ uống Vitamin A theo quyết định 1327/QĐ-BYT ngày 18/4/2014 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Sởi.
1.3. Chống chỉ định:
+ Trẻ đang đau bụng, sốt cao (> 38,5oC)
+ Đang bị bệnh bệnh mạn tính: tâm thần, suy thận, tim, gan, hen phế quản.
+ Có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc.
Cán bộ Y tế trực tiếp cho trẻ uống thuốc cần sàng lọc trước khi cho trẻ uống. Những trẻ có dấu hiệu chống chỉ định thì tạm dừng và cho uống bổ sung vào thời gian thích hợp sau khi đã hết các dấu hiệu chống chỉ định này.
1.4. Thời gian, địa điểm triển khai:
* Thời gian tổ chức chiến dịch: Đợt 2, trong tháng 12 năm 2023.
* Địa điểm triển khaiđược Trạm y tế xã, thị trấn thông báo tới các bậc phụ huynh và trường học.
Mỗi xã bố trí điểm uống Vitamin A phù hợp và thuận tiện cho các gia đình đưa trẻ đến uống.
1.5. Bảo đảm an toàn khi dùng viên nang Vitamin A:          
- Luôn đảm bảo an toàn khi dùng viên nang Vitamin A liều cao: viên nang của chương trình hiện đang sử dụng không gây ra tác dụng phụ nguy hiểm. Nếu có triệu chứng như buồn nôn, đau đầu, khó chịu thì các triệu chứng này cũng tự hết trong vòng 48 giờ và không gây ảnh hưởng gì.
- Trước khi dùng Vitamin A, bao giờ cũng phải kiểm tra hạn sử dụng của thuốc được ghi trên vỏ lọ, không dùng thuốc đã hết hạn hoặc bị hỏng, mốc. Trường hợp nếu dùng lọ vỏ cũ hoặc dùng vỏ lọ thuốc khác để đựng viên nang Vitamin A mới thì phải xóa bỏ nhãn lọ cũ, ghi lại tên thuốc, hàm lượng và hạn sử dụng mới lên vỏ lọ.
- Không dùng quá liều Vitamin A đã quy định.
- Tuyệt đối KHÔNG cho bà mẹ đang mang thai uống Vitamin A liều cao.
1.6. Theo dõi sau ngày uống Vitamin A:
Viên nang Vitamin A sử dụng an toàn hiệu quả. Tuy nhiên, một tỷ lệ rất nhỏ có thể có biểu hiện tác dụng phụ: đau đầu, buồn nôn và tiêu chảy. Tác dụng phụ thường thoáng qua và phần lớn tự mất đi mà không cần xử trí. Việc theo dõi sau uống Vitamin A cần được thực hiện nghiêm túc để đánh giá việc sử dụng Vitamin A cũng như xử trí kịp thời các trường hợp có biểu hiện tác dụng phụ. Việc theo dõi nên được thực hiện bởi cha mẹ/người chăm sóc trẻ với sự trợ giúp của cán bộ y tế.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang

Hợp tác chuyên môn