Tiêm vắc xin phòng dại là biện pháp bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho người dân khi bị động vật (chó, mèo..) cắn, cào

Từ đầu tháng 3 đến nay, Trung tâm Y tế Hữu Lũng đang thực hiện tiêm vắc xin phòng dại cho hơn 55 trường hợp bị chó, mèo cắn. Số người tham gia tiêm văc xin phòng dại ngày càng tăng trong thời gian qua cho thấy sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của người dân về sự nguy hiểm của virus dại khi bị động vật (chó, mèo, chuột,..) liếm, cào hoặc tấn công.

Bệnh dại là bệnh viêm não cấp tính gây ra bởi virus dại. Chó, mèo, vật nuôi mắc bệnh dại khi cắn, cào hoặc liếm vào vết thương hở, niêm mạc như mắt, mũi, miệng,… đều có khả năng gây ra bệnh dại cho người. Khi vius dại xâm nhập qua da, niêm mạc, lên não, di chuyển làm tổn thương các tế bào thần kinh não bộ, người mắc bệnh sẽ phát bệnh dại với những thay đổi hành vi và biểu hiện ở thể cuồng hoặc thể liệt. Thời gian ủ bệnh dại ngắn nhất là 9 ngày và cũng có thể lên đến vài năm, tùy lượng virus dại xâm nhập vào cơ thể theo đặc tính vết cắn nông hay sâu. Vết cắn có vị trí càng gần hệ thần kinh trung ương như đầu mặt cổ, đầu chi hay bộ phận sinh dục,… thời gian ủ bệnh càng ngắn và ngược lại.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện vẫn chưa có bất cứ loại thuốc đặc hiệu nào có thể chữa được bệnh dại. Một khi bệnh khởi phát, không có cách nào cứu chữa, tỷ lệ tử vong cao. Chính vì vậy, vắc xin dại được xem là biện pháp phòng ngừa bệnh dại khẩn cấp, duy nhất và an toàn nhất.
Trung tâm Y tế Hữu Lũng đã và đang thực hiện tiêm vắc xin phòng dại là Abhayrab (sản xuất tại Ấn Độ). Đây là vắc-xin phòng dại thế hệ mới, có tác dụng tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh dại cho cả người lớn và trẻ em, có quy trình sản xuất chặt chẽ và kiểm định chất lượng nghiêm ngặt nên sẽ không gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng như vắc-xin đời cũ. Do vậy, người dân có thể tin tưởng sử dụng khi cần tiêm phòng bệnh dại bảo vệ sức khỏe.
Trong quá trình khám chữa bệnh, cán bộ y tế tăng cường tư vấn, khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh dại như sau:
- Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước sạch, thuốc sát khuẩn sẵn có, povidine, oxi già, cồn, cồn 70% hoặc xà phòng đặc, rửa liên tục. Biện pháp sơ cứu này để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại hiệu quả khi bị chó, mèo cắn.
Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương (vì vi rút có thể len lỏi dễ vào sâu hơn).
Đến ngay cơ sở Y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại. Cần tiêm đủ các mũi tiêm phòng theo khuyến cáo của bác sĩ, đúng lịch, đủ liều để bảo vệ sức khỏe
- Tuyệt đối không “cào”, “vuốt”, “hút”, “chích”, “lể”, “liếc”, “đặt ngọc”, hoặc thực hiện các hành vi mê tín dị đoan khác để chữa bệnh dại.
- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại.
- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
- Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Hợp tác chuyên môn