Cảnh giác với các yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày phổ biến ở nam giới hơn nữ giới. Ung thư dạ dày có thể xảy ra ở những người trẻ tuổi, nhưng nguy cơ sẽ tăng lên khi độ tuổi tăng lên. Phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán ung thư dạ dày đều ở độ tuổi trên 60.Ảnh: Nguồn internet
Nhiễm vi khuẩn HP: Nhiễm vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Nhiễm HP lâu dài có thể dẫn đến viêm teo niêm mạc dạ dày và các thay đổi tiền ung thư khác của lớp niêm mạc dạ dày. Tuy không phải tất cả người nhiễm HP đều tiến triển thành ung thư dạ dày nhưng khi phát hiện nhiễm HP người bệnh cần được điều trị kháng sinh diệt HP một cách bài bản để điều trị viêm niêm mạc dạ dày một cách triệt để.
Thừa cân hoặc béo phì: Thừa cân hoặc béo phì có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng nối dạ dày thực quản
Chế độ ăn: Nguy cơ ung thư dạ dày tăng lên ở những người có chế độ ăn bao gồm một lượng lớn thực phẩm được bảo quản bằng muối, chẳng hạn như cá, thịt muối và rau muối. Ăn thịt chế biến sẵn như thịt nướng, thịt xông khói, thịt hộp…hay ăn ít hoặc không ăn trái cây có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày
Uống rượu, bia: Uống nhiều rượu bia có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, đặc biệt ở người uống trên 3 ly rượu hoặc 3 cốc bia mỗi ngày
Hút thuốc lá: Hút thuốc lá hay thuốc lào, thuốc lá điện tử đều làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, đặc biệt đối với bệnh ung thư phần trên của dạ dày gần thực quản. Tỷ lệ ung thư dạ dày tăng gấp đôi ở những người hút thuốc.
Tiền sử phẫu thuật cắt đoạn dạ dày do các nguyên nhân khác không phải ung thư: Ung thư dạ dày có nhiều khả năng phát triển ở những người đã cắt bỏ một phần dạ dày để điều trị các bệnh không phải ung thư như loét dạ dày. Điều này có thể là do dạ dày tạo ra ít axit hơn, tạo điều kiện cho nhiều vi khuẩn có hại hiện diện hơn. Trào ngược dịch mật từ ruột non vào dạ dày sau phẫu thuật cũng có thể làm tăng nguy cơ. Những bệnh ung thư này thường phát triển nhiều năm sau khi phẫu thuật.
Một số loại polyp dạ dày: Polyp là sự tăng trưởng tế bào lành tính trên niêm mạc dạ dày. Hầu hết các loại polyp (chẳng hạn như polyp tăng sản hoặc polyp viêm) dường như không làm tăng nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. Nhưng polyp tuyến – còn gọi là u tuyến – đôi khi có thể phát triển thành ung thư.
Thiếu máu: Một số tế bào trong niêm mạc dạ dày thường tạo ra một chất gọi là yếu tố nội(IF) mà cơ thể cần để hấp thụ vitamin B12 từ thực phẩm. Người không có đủ IF có thể bị thiếu vitamin B12, ảnh hưởng đến khả năng tạo ra tế bào hồng cầu mới của cơ thể và cũng có thể gây ra các vấn đề khác. Cùng với bệnh thiếu máu (có quá ít hồng cầu), những người mắc bệnh này còn có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
Yếu tố nghề nghiệp: Công nhân trong ngành than, kim loại và cao su dường như có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
Nhóm máu: Những người có nhóm máu A có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn người có nhóm máu khác.
Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày: Những người có người thân thế hệ thứ nhất (cha mẹ, anh chị em hoặc con cái) bị ung thư dạ dày có nhiều khả năng mắc ung thư dạ dày hơn.
Suy giảm miễn dịch: Ở những người bị suy giảm miễn dịch, hệ thống miễn dịch không thể tạo ra đủ kháng thể để giúp bảo vệ chống lại vi khuẩn. Điều này có thể dẫn đến nhiễm khuẩn thường xuyên cũng như các vấn đề khác, bao gồm viêm teo dạ dày và thiếu máu ác tính. Những người bị suy giảm miễn dịch có nhiều khả năng mắc u lympho tại dạ dày và ung thư dạ dày.
Phòng ngừa ung thư dạ dày
Tạo cho bản thân và gia đình có lối sống lành mạnh, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau củ quả, hạn chế đồ nướng, hạn chế đồ ướp muối, lên men như dưa muối hay cà muối, không nên ăn những thực phẩm cay nóng. Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe dạ dày, đặc biệt là các loại rau xanh, trái cây có chứa nhiều chất xơ và vitamin, chẳng hạn như súp lơ, rau cải mầm…
Dành thời gian nghỉ ngơi và tập luyện thể dục thể thao phù hợp với sức khoẻ, đều đặn hàng ngày.
Hạn chề uống rượu bia, không hút thuốc lá.
Khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/năm, tầm soát để phát hiện sớm ung thư dạ dày từ đó kịp thời điều trị bệnh.
Điều trị dứt điểm nếu đang mắc phải các bệnh lý liên quan tới dạ dày, không nên chủ quan, cần điều trị để khỏi dứt điểm những căn bệnh này. Trong quá trình điều trị cần tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý dừng thuốc, lạm dụng thuốc khiến việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang