Hướng dẫn sơ cứu khi bị say nắng

Say nắng, say nóng là những hiện tượng thường gặp trong mùa hè, nhất là thời điểm giữa trưa hay xế chiều. Lúc đó, tia nắng gay gắt sẽ chiếu một cách liên tục khiến trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể bị chấn động, làm rối loạn việc điều hòa thân nhiệt kèm theo hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.

Ảnh: Nguồn internet
          Các tình huống dễ dẫn đến say nắng, say nóng
          Người dân làm việc ở môi trường nóng bức kéo dài và không uống đủ nước; nông dân làm việc ở ngoài cánh đồng; vận động trong thời tiết nóng bức kéo dài và không uống đủ nước; người già sống trong nhà kín không có điều hòa trong mùa hè nóng bức; trẻ em bị bỏ quên trong xe đậu dưới trời nắng; mặc quần áo không phù hợp (quá dày, bí, không thấm nước)…
          Say nắng, say nóng còn hay xảy ra trong trường hợp với như: Người có thói quen ít uống nước, người dùng một số loại thuốc làm giảm tiết mồ hôi; người có một số tình trạng bệnh lý: Bỏng rộng, rối loạn nội tiết, sốt cao kéo dài; người béo phì; trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi…
          Cần xử trí đúng người bị say nóng, say nắng.
          Khi bị say nắng, say nóng, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có những triệu chứng thường gặp, như: Mất nước nhẹ biểu hiện bằng việc khát nước, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, nước tiểu sậm, tim đập nhanh, da tái nhợt, thở nhanh; mất điện giải với biểu hiện nôn ói, chuột rút, lơ mơ, thay đổi hành vi. Nếu không can thiệp ngay, bệnh nhân sẽ nhanh chóng diễn tiến nặng, choáng do nóng với biểu hiện thân nhiệt tăng cao hơn 40,5 độ C, kèm theo tình trạng trụy mạch tụt huyết áp, co giật, và có thể bị hôn mê.
          Nếu phát hiện và giải quyết kịp thời, bệnh hồi phục nhanh chóng; nếu để diễn tiến đến giai đoạn nặng, bệnh nhân có thể tử vong trong vài phút. Có những bệnh nhân không tử vong, nhưng để lại những tổn thương nặng không hồi phục như suy gan, suy thận, tổn thương não v.v
          Cách sơ cứu khi gặp người bị say nắng, say nóng
          Khi gặp trường hợp say nắng, say nóng, cần nhanh chóng tiến hành những biện pháp sơ cứu ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hay phương tiện y tế bằng cách giảm thân nhiệt cho nạn nhân: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió; cởi bỏ bớt quần áo; cho uống nước mát có pha ít muối hoặc pha gói Oresol để bù lại điện giải; chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở nách, bẹn, cổ để hạ thân nhiệt nhanh và hiệu quả. Sau đó, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, điều trị tiếp theo nếu mức độ nặng.
          Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc gây nôn có thể làm sặc nước vào phổi gây suy hô hấp, hay tình trạng sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở… thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát liên tục cho nạn nhân.
          Phòng tránh say nắng, say nóng
          Để phòng say nắng, say nóng, mọi người cần uống nhiều nước vào các ngày nắng nóng (khoảng 7-8 ly nước mỗi ngày); ăn các loại thức ăn mát dễ tiêu hóa, các loại rau củ quả chứa nhiều kali như rau má, cà chua, rau đay, mồng tơi…
          Không làm việc quá lâu ngoài trời nắng gắt hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nếu không thật sự cần thiết, hủy các vận động vào ngày nắng nóng hoặc dời đến những thời điểm mát hơn trong ngày. Nên mặc đồ mỏng, màu sáng, rộng rãi và mang nón rộng vành, bôi kem chống nắng nếu dự định ở lâu ngoài trời. Nếu thấy nước tiểu sậm màu, chứng tỏ là đang thiếu nước và cần bổ sung. Kiểm tra cân nặng trước và sau khi vận động bởi việc sụt cân nhanh chứng tỏ đang thiếu nước.
          Tránh dùng cà phê và rượu trước khi vận động hay đi làm vì chúng làm tăng tình trạng mất nước của cơ thể. Nếu sống trong căn nhà không có điều hòa hay thông khí kém cần di chuyển đến nơi mát hơn, nhất là thời điểm nhiệt độ tăng cao; mở các cửa số để tạo lưu thông không khí trong nhà.
 
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang

Hợp tác chuyên môn