Tăng cường các biện pháp phòng bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý không lây nhiễm nhưng lại có tỉ lệ tử vong rất cao. Biết rõ triệu chứng của các bệnh tim mạch thường gặp như: đau ngực, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, ngất, mệt, yếu, đau mỏi cách hồi ở chân, kiệt sức… sẽ giúp chúng ta phát hiện bệnh sớm hơn, từ đó thăm khám và tầm soát kịp thời để hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Ảnh: Nguồn internet
Bệnh tim mạch do các rối loạn của tim và mạch máu, bao gồm: Bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim); tai biến mạch máu não (đột quỵ); tăng huyết áp. Trong các bệnh lý tim mạch khác nhau thì nhồi máu cơ tim gây tử vong cao nhất. Nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi dòng máu nuôi dưỡng cơ tim đột ngột bị cắt đứt, gây tổn thương tế bào cơ tim và xuất hiện cơn đau ngực.
Đây là kết quả của sự tắc nghẽn một hay nhiều động mạch vành. Sự tắc nghẽn phát triển chủ yếu do sự tích tụ các mảng bám lâu ngày trong lòng mạch, chủ yếu từ chất béo, cholesterol và một số chất khác. Triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp là đau ngực và khó thở.
Nguyên nhân của bệnh tim mạch hiện nay là do các yếu tố về lối sống không lành mạnh và phần lớn các yếu tố này có thể thay đổi được. Các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh tim mạch là hút thuốc lá; ít hoạt động thể lực; thừa cân; căng thẳng; tăng cholesterol máu làm thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch, là yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh lý động mạch cảnh, động mạch chủ, động mạch vành, động mạch chi dưới; tăng huyết áp; đái tháo đường và yếu tố gia đình (tăng huyết áp, bệnh lý cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại, hội chứng Brugada có tính chất gia đình).
Hưởng ứng Ngày Tim mạch thế giới 29/9 cũng như để giảm nguy cơ các bệnh lý tim mạch, mỗi người dân cần nhận diện nguy cơ tim mạch của chính mình và tìm cách kiểm soát chúng như có chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn, nên ăn dưới 5 g muối mỗi ngày (tương đương với 1 thìa cà phê). Ngoài ra, ăn các loại thức ăn nhiều chất xơ và tinh bột như lúa mì, yến mạch, hạt ngũ cốc, gạo nếp vàng, bột mì… cũng là biện pháp phòng chống bệnh tim mạch và cả đột quỵ rất tốt.
Cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh, vì các thức ăn này có hàm lượng muối cao, giàu chất béo... có thể gây tăng huyết áp và gây nên các bệnh lý tim mạch.
Tập thể dục thường xuyên: Mỗi ngày tập từ 30 - 60 phút sẽ giúp phòng chống các bệnh lý tim mạch. Không hút thuốc lá (thuốc lào, thuốc lá điện tử, shisha). Duy trì cân nặng hợp lý, nếu thừa cân cần giảm cân sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên.
Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, triglycerit, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI).
Hạn chế uống rượu, bia vì uống nhiều rượu, bia làm trọng lượng tăng lên và gây bệnh tăng huyết áp. Tránh căng thẳng, lo âu quá mức.            
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang

Hợp tác chuyên môn