Bổ sung dinh dưỡng tăng cường hệ miễn dịch phòng chống bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp

Tăng cường hệ miễn dịch của bản thân là biện pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-2019 đang có những diễn biến hết sức phức tạp và chưa có vắc xin phòng ngừa hay thuốc điều trị đặc hiệu. Chủ động phòng dịch đang là việc làm cần thiết lúc này cho cá nhân và cả cộng đồng. 

Hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta được coi như là những chú “lính biên phòng” loại bỏ những yếu tố gây bệnh xâm nhập. Nếu hoạt động một cách bình thường, hệ thống phòng thủ này có thể ngăn chặn các vấn đề sức khỏe làm giảm nguy cơ nhiễm virus và vi khuẩn, chống lại bệnh do virus và tăng tốc quá trình phục hồi sau khi bị nhiễm bệnh. 

Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng qua các bữa ăn hàng ngày

Để cung cấp đủ năng lượng qua các bữa ăn hàng ngày, chúng ta cần đảm bảo không bỏ bữa, ăn đủ 03 bữa chính, và lưu ý ăn thêm bữa phụ giữa giờ (sữa, sữa chua, hoa quả, đậu/đỗ/hạt ngũ cốc rang/sấy). 

Bổ sung thực phẩm nhiều đạm (protein) trong các bữa ăn hàng ngày

Một chế độ ăn đủ đạm (protein) có vai trò rất quan trọng giúp cơ thể duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và giúp nhanh lành bệnh. Chất đạm (protein) có nhiều trong các loại thực phẩm sau: Thịt, cá, trứng, sữa, và các loại đậu/đỗ. Mỗi người cần ăn 5-6 phần đạm (protein)/ngày. Mỗi phần đạm (protein) tương đương 40g thịt/cá/tôm, 1 quả trứng gà/vịt, 1 bìa đậu phụ, 1 cốc sữa. Nên phối hợp đa dạng thực phẩm trong bữa ăn, sử dụng đạm từ cả nguồn động vật và thực vật để đạt tổng số đạm (protein) cơ thể cần mỗi ngày.

Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất có tác dụng tăng cường miễn dịch trong bữa ăn hàng ngày 

Để có hệ miễn dịch mạnh mẽ cần một chế độ ăn uống lành đầy đủ dưỡng chất và vitamin như vitamin C, E, B6, D và men vi sinh.

    Vitamin C là chất dinh dưỡng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể bởi dưỡng chất này giúp làm tăng khả năng sản sinh của bạch cầu trong máu. Tuy nhiên, cơ thể con người lại không thể tự sản sinh hoặc tổng hợp vitamin C mà cần phải được cung cấp thông qua các loại thực phẩm để duy trì sức khỏe. Các loại trái cây họ cam quýt như bưởi, cam, chanh,... là những nguồn rất giàu vitamin C. Uống thêm các loại nước ép khác cũng giúp bạn tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch.

    Vitamin E là chất chống oxy hóa mạnh giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Vitamin E rất cần để điều chỉnh và duy trì chức năng hệ miễn dịch. Các loại thực phẩm chứa vitamin E gồm bơ, rau màu xanh đậm và các loại hạt.

    Vitamin B6 rất quan trọng trong việc phản ứng sinh hóa trong hệ miễn dịch. Khoai tây, củ cải, chuối và các loại hạt chứa nhiều vitamin B6 và chất chống oxy hóa mạnh mẽ sẽ tăng cường thêm cho hệ miễn dịch khỏe mạnh.

    Vitamin D và men vi sinh từ sữa chua giúp cải thiện hệ miễn dịch. Ăn sữa chua không chỉ giúp bạn có thân hình cân đối mà còn giúp cơ thể tăng cường khả năng phòng vệ chống lại các virus, thúc đẩy hoạt động của các kháng khuẩn trong cơ thể.

Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm

Chỉ cần cảm thấy có chút khô họng phải uống nước ngay. Lưu ý mỗi ngày uống không dưới 1500ml nước ấm. Lưu ý một số đối tượng như trẻ em và người cao tuổi cần bổ sung nước thường xuyên chứ không đợi cảm giác khát mới uống.

Bổ sung rau xanh

Rau xanh chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin C, E và chất chống oxy hóa hữu hiệu. Súp lơ, rau bó xôi, rau cải giúp tăng cường hệ thống miễn dịch khi bạn bị cúm hoặc các bệnh viêm nhiễm khác. Bí đỏ chứa nhiều dưỡng chất có ích như vitamin, muối khoáng, sắt và hàm lượng axit hữu cơ. 

Ngoài ra tỏi, hành và hẹ là những thực phẩm được cho là trợ thủ đắc lực trong việc tăng cường hệ miễn dịch chống lại nhiều bệnh như: cảm cúm, viêm đường hô hấp, tăng huyết áp, mỡ máu, giảm đường huyết, phòng chống ung thư...

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Ăn chín, uống sôi. Các loại thịt, cá, trứng phải được nấu chín hoàn toàn. Để riêng thực phẩm sống, chín. Thực phẩm tươi chưa sử dụng phải cất ngăn đá tủ lạnh. Thực phẩm đã nấu chưa ăn ngay phải cất ngăn mát tủ lạnh. Rửa tay trước khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với bề mặt có nguy cơ. 

Tránh tiêu thụ các sản phẩm động vật sống hoặc chưa chín kỹ

Cần hết sức cẩn trọng bởi những mối nguy hại về việc phát tán dịch bệnh mà thức ăn sống có thể gây ra. Virus Corona không chịu được nhiệt, nó chết ở nhiệt độ 56 độ trong vòng 30 phút. Vì thế chúng ta nên tráng nước sôi các đồ bát đĩa trước khi ăn uống và chỉ ăn đồ nấu chín. Cắt giảm thực đơn các món chiên, nướng. Những loại thực phẩm này có thể gây viêm trong cơ thể và làm suy yếu hệ thống miễn dịch.

Song song với chế độ ăn đầy đủ hợp lý, khoa học là việc kết hợp chế độ tập luyện thể dục thường xuyên giúp tăng cường hệ miễn dịch. Thể dục thường xuyên có thể đóng góp trực tiếp thúc đẩy lưu thông máu tốt, cho phép tế bào và dưỡng chất của hệ miễn dịch di chuyển tự do trong cơ thể và giúp chúng thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả./.

Tổng hợp: Nông Thị Nhung

Hợp tác chuyên môn