Khuyến cáo phòng chống kháng kháng sinh

        Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn… sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng.

Ảnh: nguồn internet
         Kháng kháng sinh là mối đe dọa lớn nhất trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với sự phát triển của thương mại và du lịch toàn cầu, các vi sinh vật kháng thuốc có thể lây lan nhanh chóng đến bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nếu không có hành động hiệu quả đối phó với tình trạng này, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo: nhiều bệnh truyền nhiễm sẽ trở nên không kiểm soát được, 10 triệu người có thể tử vong mỗi năm do vi khuẩn kháng thuốc.
        Kháng kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi, ở bất kỳ quốc gia nào. Tốc độ nghiên cứu và bào chế thuốc kháng sinh thế hệ mới hiện không phát triển kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc. Tình trạng kháng thuốc không chỉ trì hoãn việc điều trị cho bệnh nhân bằng kháng sinh phù hợp mà còn gây mất hiệu quả trong chống nhiễm trùng, mất hiệu quả của kháng sinh dự phòng trong các thủ thuật y khoa và phẫu thuật. Hậu quả là tăng tỷ lệ bệnh nhân tử vong, tăng thời gian điều trị nội trú và tốn kém chi phí điều trị.
         Khuyến cáo phòng chống kháng thuốc
         Kháng kháng sinh là nguyên nhân gây ra các tổn thất lớn về chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, là gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
         Người dân lưu ý về sử dụng thuốc như sau:
– Chỉ sử dụng kháng sinh khi được bác sĩ kê toa.
– Không bao giờ yêu cầu thuốc kháng sinh nếu bác sĩ nói rằng không cần chúng.
– Luôn luôn làm theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh.
– Không bao giờ chia sẻ hoặc sử dụng thuốc kháng sinh dư thừa của người khác.
– Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách thường xuyên rửa tay, chuẩn bị thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần gũi với người bệnh, quan hệ tình dục an toàn và tiêm chủng vắc xin đúng lịch.
– Chuẩn bị thức ăn hợp vệ sinh, tuân thủ các nguyên tắc an toàn thực phẩm bao gồm: giữ sạch, tách riêng nguyên liệu sống và chín, nấu kỹ, giữ thức ăn ở nhiệt độ an toàn, sử dụng nước sạch và nguyên liệu tươi sống; và chọn thực phẩm đã được sản xuất mà không sử dụng kháng sinh để thúc đẩy tăng trưởng hoặc phòng ngừa bệnh ở động vật.
          Đối với nhân viên y tế, WHO kêu gọi nhân viên y tế hãy làm vệ sinh đôi bàn tay thật sạch trước khi chăm sóc bệnh nhân. Biện pháp này góp phần bảo vệ bệnh nhân khỏi các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc tại các cơ sở y tế.
– Chỉ kê đơn và phân phối kháng sinh khi cần thiết, theo phác đồ hiện hành. Đảm bảo “4 chữ Đ” trong lựa chọn kháng sinh là: đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian và đúng cách.
– Về phía các dược sĩ cần lưu ý về tương tác thuốc, và quản lý sử dụng thuốc nhằm hạn chế tối đa các trường hợp phản ứng có hại của thuốc.
– Cố gắng thống nhất với bệnh nhân về cách sử dụng kháng sinh đúng cách, hậu quả của kháng kháng sinh và nguy cơ lạm dụng thuốc./.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang

Hợp tác chuyên môn