Phòng chống ngộ độc các chất độc tự nhiên

Trong tự nhiên có không ít loại rau rừng, nấm độc, quả dại,... có chứa những độc tố tự nhiên và có khả năng gây ngộ độc, thậm chí tử vong cho người ăn nhầm hoặc cố tình ăn.
Ảnh: Nguồn Internet
          Một số loại thực phẩm chứa chất độc tự nhiên như:
          - Nấm: Nấm là loại thức ăn ngon và bổ dưỡng, tuy nhiên, một số loại Nấm trong tự nhiên có chứa độc tố rất nguy hiểm. Nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ; bộ phận độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm), độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu phù hợp, nhất là vào mùa xuân thời tiết ấm rất phù hợp cho các loại nấm độc sinh trưởng, phát triển…
          - Thịt cóc: Thịt cóc có rất nhiều chất dinh dưỡng, nhưng một số bộ phận của con cóc có độc tố như Da, Gan, buồng trứng. Ngộ độc khi ăn thịt cóc xảy ra do khi chế biến thịt cóc không đúng cách nên thịt bị nhiễm độc tố (nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt cóc) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc. Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao.
          - Mật cá trắm: Trong mật cá có chất alcol steroid, sau khi vào dạ dày, được hấp thu vào máu đi tới gan, thận gây ra suy gan và suy thận cấp.
          - Mộc nhĩ tươi: Mộc nhĩ tươi chứa chất nhạy cảm với ánh sáng - chất Porphyrin. Sau khi ăn, với sự chiếu rọi của ánh nắng mặt trời rất dễ bị viêm da, xuất hiện trạng thái ngứa, chứng phù thũng, đau nhức; có người bị phù nề thanh quản sẽ gây nên tình trạng khó thở. Vì vậy chỉ nên ăn mộc nhĩ khô, ngâm trong nước nấu chín kỹ thì mới an toàn.
          - Khoai tây để lâu ngày: Khoai tây để lâu ngày hoặc để chúng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là khoai tây đã mọc mầm hay khi vỏ khoai đã chuyển sang màu xanh thì hàm lượng chất độc solanin trong khoai tăng lên rất cao.       
- Lạc mốc: Lạc tươi là thực phẩm có chất dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể người. Nhưng nếu bảo quản không tốt, để trong môi trường ẩm ướt..., lạc dễ bị mốc. Nấm mốc trên lạc rất độc.
          Cách nhận biết một người bị ngộ độc thức ăn:
          Sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày), người bệnh đột ngột có những triệu chứng: đau bụng theo từng cơn, hoặc đau lâm râm, buồn nôn và nôn, có khi nôn cả ra máu, tiêu chảy  nhiều lần (phân nước màu vàng, màu xanh, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 380 C. Thêm vào đó, dấu hiệu để nhận biết cơ thể bị mất nước bao gồm đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, khát nước, khô miệng, co rút cơ, lú lẫn, nước tiểu vàng sậm, tiểu ít hoặc không đi tiểu trong nhiều giờ.
          Người ăn phải nấm độc thường có các biểu hiện: Người bị ngộ độc có triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy, co giật cơ, đau cơ, ảo giác... nếu như không được phát hiện và cứu chữa kịp thời người bệnh có nguy cơ tử vong.
          Khi ăn phải chất độc của cóc, sau vài giờ nạn nhân thấy chóng mặt, quay cuồng, đau như châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân, tiếp theo là  mửa dữ dội, kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, nhịp tim đập chậm lại, tuột huyết áp. Phần lớn tử vong do rối loạn dẫn truyền thần kinh tim không hồi phục. Một số trường hợp xuất hiện suy thận cấp, suy gan.
          Nếu uống phải mật cá trắm có thể xuất hiện sau 1-2 giờ các triệu chứng khó chịu, đau bụng, buồn nôn hoặc tiêu chảy, 1 ngày sau thấy đi tiểu ít dần rồi vô niệu, có thể phù hai chân, đau đầu, tăng huyết áp, vàng da nhẹ, dần tới suy thận, suy gan và có thể tử vong nếu không đi cấp cứu kịp thời. Vì vây, tuyệt đối không uống mật cá trắm tránh gây ra những hậu quả khôn lường.
          Xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm
          Khi có trường hợp ngộ độc thực phẩm cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất dù là ngộ độc nặng hay nhẹ, ít hay nhiều người mắc.
          Sơ cấp cứu người bị ngộ độc thực phẩm
          Trường hợp bị ngộ độc nhẹ
- Dấu hiệu ngộ độc nhẹ như buồn nôn, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy 1-2 lần...
- Nếu các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm xảy ra trước 4-6 giờ sau khi ăn;
khi đó thức ăn vẫn còn trong dạ dày, chưa xuống ruột, trường hợp này cần khẩn trương làm cho người bị ngộ độc nôn ói để tống thức ăn bị nhiễm độc ra khỏi dạ dày.
+ Cách gây nôn thông thường là ngoáy họng. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo
có thể cho bệnh nhân uống dung dịch nước muối loãng (2 thìa canh muối pha vào một cốc nước ấm), rồi ngoáy họng để kích thích nôn.
+ Trường hợp bệnh nhân lơ mơ không tỉnh táo hoặc có co giật thì không được phép gây nôn, đề phòng bệnh nhân bị sặc.
+ Đối với trường hợp người ngộ độc bị tiêu chảy: nên uống nhiều nước, không nên uống sữa. Để người bệnh nằm nghỉ, sau đó hòa 1 lít nước với một gói orezol hoặc nếu không có sẵn gói orezol thì có thể pha 1/2 thìa cà phê muối cộng với 4 thìa cà phê đường trong 1 lít nước rồi cho người bệnh uống để bù và chống mất nước cho cơ thể. Mặt khác uống nước còn giúp trung hòa chất độc trong cơ thể người bệnh nhằm hạn chế tối đa những tác hại mà độc tố sẽ mang lại.
          Trường hợp bị ngộ độc nặng
- Dấu hiệu như nôn, tiêu chảy nhiều lần, đau đầu, tê môi, nổi mẩn đỏ...Cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế để cấp cứu.
          Để đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn các vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên:
          Người dân cần tuyệt đối không ăn, chế biến các loại rau, củ, quả rừng lạ… và tuyên truyền cho mọi người dân cùng biết để tránh ra các loại củ, quả có chứa độc tố (đặc biệt là trẻ em). Đồng thời, nêu cao cảnh giác, tuyệt đối không sử dụng các loại cây, con vật lạ để ngâm rượu, ăn sống...
Để tránh ngộ độc khoai tây, không nên mua hoặc chế biến thức ăn từ những củ khoai đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh, những củ đã đào khỏi mặt đất quá lâu...
Phơi khô, bảo quản tốt, tránh để các loại hạt ẩm mốc; không ăn những hạt lạc đã bị mốc, thâm đen
          Khi thấy các biểu hiện nghi ngờ ngộ độc, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Không nên chủ quan điều trị tại nhà mà cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, kiểm tra và được điều trị kịp thời và phù hợp nhất, tránh những nguy hiểm có thể xảy ra.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang

Hợp tác chuyên môn