Nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm của sốt xuất huyết Dengue

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Vi rút Dengue có 4 týp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.

Ảnh: Nguồn internet
          Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
          Nhận biết các giai đoạn của sốt xuất huyết để có hướng điều trị phù hợp cho người bệnh tránh những biến chứng đáng tiếc. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.
1. Giai đoạn sốt
Lâm sàng: BN sốt cao đột ngột, liên tục kéo dài. Nghiệm pháp dây thắt dương tính. Chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Da xung huyết, phát ban. Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
Cận lâm sàng: Hematocrit bình thường. Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc hơi giảm. Số lượng bạch cầu thường giảm.
2. Giai đoạn nguy hiểm
Giai đoạn nguy hiểm thường rơi vào ngày thứ 3-7 của bệnh.
          Các dấu hiệu cảnh báo:
Lâm sàng: Bệnh nhân đau bụng hoặc tăng cảm giác đau. Vật vã, lừ đừ, li bì. Nôn liên tục. Ứ dịch trên lâm sàng. Xuất huyết niêm mạc. Ý thức u ám, kích thích. Gan to > 2 cm. Xét nghiệm: Tăng hematocrit cùng với giảm nhanh số lượng tiểu cầu.
Nhiệt độ bắt đầu giảm xuống còn 37.5 – 38 độ C, có khi còn 36 độ C. Tăng tính thấm thành mạch xuất hiện đồng thời với tăng Hematocrit. Thời gian thoát huyết tương có ý nghĩa lâm sàng thường kéo dài 24–48 giờ. Sau khi bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu bắt đầu giảm thấp và thường xảy ra trước khi thoát huyết tương. Mức độ tăng Hematocrit so với giá trị nền tỷ lệ với mức độ thoát huyết tương.
Có những bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo: tiên lượng Dengue nặng. Trường hợp Dengue có dấu hiệu cảnh báo sẽ phục hồi nếu bù dịch đường tĩnh mạch sớm và đúng, và được xử trí xuất huyết tốt. Một số ca sẽ nặng lên và tiến triển thành Dengue nặng.
Biểu hiện thoát huyết tương: Tràn dịch màng phổi. Tràn dịch màng bụng. Nề mi mắt và da căng. Hematocrit tăng. Albumin máu giảm. Biểu hiện sốc
Biểu hiện sốc: Mạch nhanh, nhỏ, khó bắt. Huyết áp hạ và kẹt.  Lạnh chi, nổi vân tím
          Biểu hiện xuất huyết:
Xuất huyết trên da: Xuất huyết dạng đầu đinh ghim trên nền da xung huyết. Bầm tím nơi tiêm, lấy máu.
Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu cam. Chảy máu chân răng. Rối loạn kinh nguyệt
Xuất huyết nội tạng: Xuất huyết đường tiêu hoá. Xuất huyết não. Chảy máu phổi. Chảy máu trong cơ
Các biểu hiện lâm sàng khác: Rối loạn chức năng gan. Rối loạn tri giác. Suy hô hấp. Rối loạn nhịp tim…
3. Giai đoạn hồi phục
Phần lớn bệnh nhân hết sốt và không có biến chứng nặng và sẽ khỏi bệnh trong vòng vài ngày.
          Cho đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh thường gây dịch lớn với nhiều người mắc cùng một lúc khiến công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong, đặc biệt là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.
Hãy phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả với những hướng dẫn như sau:
          Tránh muỗi đốt: Ngủ màn, không để trẻ chơi ở chỗ tối, thoa kem chống muỗi.
          Diệt muỗi và loăng quăng: nhà cửa luôn thoáng mát, sạch sẽ ngăn nắp. Không để các dụng cụ chứa nước hoặc nếu có phải đậy nắp và thường xuyên thay rửa, loại bỏ các ổ nước đọng.
          Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
          Ngoài những hướng dẫn trên, bạn hãy lưu ý luôn theo dõi sát thân nhiệt, báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy dấu hiệu sốt lên, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang

Hợp tác chuyên môn