Sơ cứu khi gặp người bị co giật

 

Không ít người dân đã rơi vào tình huống khó xử khi gặp người bị co giật và trở nên luống cuống không biết xử trí sao cho đúng để giúp người đang bị co giật qua nhanh cơn và thoát khỏi tình trạng nguy hiểm không ảnh hưởng tới tính mạng. Chúng ta nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về sơ cứu khi gặp người bị co giật.

Co giật là gì?

Co giật là một cấp cứu thần kinh thường, xảy ra khi sóng điện não hoạt động bất thường dẫn đến cơ bắp co cứng và mất ý thức. Tình trạng này thường gặp ở trẻ em. Biến chứng co giật là thiếu oxy não, tắc nghẽn đường thở gây tử vong.

Dấu hiệu và triệu chứng co giật:

Nhiều người trước khi phát bệnh thường có các dấu hiệu như bị ảo giác, chóng mặt và gặp vấn đề với các giác quan của mình (thị giác, vị giác và khứu giác thay đổi). Tiếp theo đó, cơ bắp của người bệnh sẽ co thắt dữ dội kèm theo các triệu chứng như: cắn má, cắn lưỡi của mình, nghiến răng, không kiểm soát được khả năng tiểu tiện của mình, cảm thấy khó thở hoặc ngừng thở, da xanh.

Nguyên nhân gây bệnh

Có nhiều nguyên nhân gây ra Co giật, thường gặp là:

Nhiễm trùng: Viêm não – màng não, áp xe não, ký sinh trùng…

Chấn thương sọ não, U não, bệnh mạch máu não (tai biến mạch máu não, dị dạng mạch máu não…)

Ngộ độc thuốc, rượu

Rối loạn chuyển hóa: hạ đường huyết, tăng đường huyết, hạ natri máu, tăng natri máu, hạ calci, tăng ure máu….

Động kinh

Nguyên nhân của co giật rất đa dạng, thường gặp nhất ở trẻ em là sốt cao co giật. Chứng co giật do sốt cao có xu hướng xuất hiện ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, song hay gặp nhất là trẻ từ 12-18 tháng. Đa số trẻ khi đã dừng co giật sẽ không bị lại ngay lúc đó nữa. Co giật do sốt cao thường tự hết mà không cần sự hỗ trợ y tế nào. 

Cách xử trí co giật

- Khi phát hiện có người bị co giật, chúng ta cần giữ bình tĩnh để giúp đỡ vì họ không hề gây hại gì cho những người xung quanh.

- Đặt người bị co giật nằm nghiêng, nhẹ nhàng nâng cằm để mở rộng đường thở và giúp họ thở dễ dàng hơn, không bị ngạt trong trường hợp bị nôn. Đặt một vật mềm (có thể là một tấm chăn hoặc quần áo) để bảo vệ đầu, tránh bị tổn thương. Loại bỏ hết các vật cứng xung quanh và để yên chờ cho cơn co giật qua đi. Không được cho vật gì vào miệng người bị co giật. 


Ảnh: Nguồn Medihub

- Nếu cơn co giật không hết sau 5 phút, hoặc người bị co giật gặp tình trạng nghiêm trọng biểu hiện bất thường như khó thở, ngạt thở, da xanh hoặc co giật thành từng đợt liên tiếp. Bạn không được để người bị co giật ở một mình. 


Ảnh: Nguồn Medihub

- Khi cơn co giật đã qua, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức và đưa người bệnh đến trung tâm y tế cấp cứu gần nhất. Đồng thời gọi cho bác sĩ nếu người bệnh lên cơn khi vẫn đang dùng thuốc chống co giật, vì điều này có nghĩa là cần phải điều chỉnh liều thuốc.

Cách phòng ngừa cơn co giật, động kinh tái phát

Chăm sóc người bệnh bị co giật là cần kiểm soát tốt cơn co giật. Để làm được điều này, người có tiền sử bệnh bị co giật cần thường xuyên uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ liều hoặc ngừng sử dụng. Ngoài ra trong chế độ ăn uống, sinh hoạt người bệnh động kinh cũng cần lưu ý:

  • Tăng cường rau xanh, trái cây tươi trong các bữa ăn hàng ngày.

  •  Bổ sung các loại thực phẩm giàu protein, calci chẳng hạn như: thịt nạc, tôm, cua, cá, trứng,…

  • Hạn chế thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác.

  • Ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh căng thẳng mệt mỏi quá mức.

  • Tập các bài tập yoga, ngồi thiền, đi bộ nhẹ nhàng, hít sâu thở chậm,… nhằm nâng cao sức khỏe, thư giãn tinh thần./.

    Người sưu tầm: Nguyễn Linh Trang

Hợp tác chuyên môn