Phòng chống bệnh tay chân miệng đang có nguy cơ bùng phát trên địa bàn huyện

Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 10 năm 2023, Trung tâm Y tế Hữu Lũng đã khám cho hơn 20 trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tay - chân - miệng trong đó có 12 trẻ phải nhập viện điều trị bệnh. Biểu hiện của trẻ khi đến khám là xuất hiện tổn thương da, niêm mạc dưới dạng nốt phỏng nước trên da, loét niêm mạc miệng, trẻ đau họng, sốt nhẹ, quấy khóc, biếng ăn, tiêu chảy,...
Điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại khoa Truyền nhiễm và KSNK của TTYT Hữu Lũng
Trung tâm Y tế Hữu Lũng thực hiện tốt việc điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Hiện tại trong quá trình điều trị chưa có trường hợp nào ở mức độ nặng nguy hiểm, bệnh nhi không phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Thực hiện tốt phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện 3 sạch "ăn sạch uống sạch, ở sạch"; đảm bảo bàn tay sạch và đồ chơi sạch, tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng chống dịch bệnh trong các tình huống. Tăng cường tập huấn về giám sát, điều trị bệnh tay chân miệng tại đơn vị.
Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh chân tay miệng. Bệnh tay chân miệng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi… Để đề phòng các biến chứng nguy hiểm này đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi - đối tượng dễ mắc tay chân miệng vì hệ miễn dịch của bé chưa được hoàn thiện, cha mẹ và gia đình cần theo dõi sát trẻ, phát hiện sớm các biểu hiện diễn biến xấu như: sốt cao, thở bất thường, kích thích hoặc li bì, bỏ bú, nôn trớ, co giật. Ap dụng các biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch như cần rửa tay kỹ với xà phòng sau khi tiếp xúc với trẻ mắc tay chân miệng, không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da, giặt các đồ dùng của trẻ và lau phòng ở bằng các dung dịch sát khuẩn, cần theo dõi chặt chẽ trẻ có biểu hiện sốt, cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi bệnh. Không tự ý điều trị tại nhà cho trẻ, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được điều trị kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm.
Đối với nhà trường cần thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục đào tạo, thông báo ngay cho trạm Y tế xã để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Linh Trang


Bài viết liên quan

Hợp tác chuyên môn