Cách phòng ngừa và tầm soát ung thư

Trong cuộc sống hiện đại, ung thư đã trở thành vấn đề “nóng” không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, khi tỷ lệ mắc bệnh đang ngày một tăng. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình, chúng ta nên tự trang bị một số kiến thức cơ bản và biện pháp phòng ngừa ung thư. 


Ảnh: Nguồn Internet

Ung thư là gì?

Ung thư là một nhóm các bệnh liên quan đến việc phân chia tế bào một cách không có tổ chức, phản ảnh những sự thay đổi về sinh sản, tăng trưởng và chức năng của tế bào. Các tế bào bình thường trở nên bất thường (đột biến) và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn những khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến nơi xa và được gọi là di căn thông qua hệ thống bạch huyết hay mạch máu. Nếu không được phát hiện, chữa trị sớm, hầu hết các loại ung thư có thể gây tử vong.

Nguyên nhân cơ chế bệnh sinh ung thư

Ung thư có khả năng xuất hiện ở mọi lứa tuổi với nhiều loại khác nhau, ví dụ như: ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư gan, ung thư nội mạc tử cung, ung thư phổi, … Nguyên nhân gây ung thư do nhiều yếu tố gây ra với nhiều hình thái khác nhau chúng không tuân theo một quy luật chung. Các yếu tố môi trường cũng như thói quen sinh hoạt là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh ung thư, bao gồm:

Thuốc lá là nguyên nhân của trên 30% trong tổng số các loại ung thư bao gồm ung thư phổi. Có tới trên 90% bệnh ung thư phổi có liên quan tới thuốc lá. Bên cạnh đó, các loại ung thư khác như khoang miệng, thực quản, họng, ung thư vú, ung thư cổ tử cung ở nữ cũng có liên quan tới thuốc lá.

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, chế độ ăn có quá nhiều chất đạm, mỡ, đặc biệt là mỡ động vật, ít hoa quả và rau xanh và dùng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các thực phẩm có bảo quản thuốc thực phẩm.

Nhiễm trùng: nhiễm các siêu vi viêm gan B, C sẽ dẫn tới viêm gan, ung thư gan. Nhiễm vi rút HPV thì sẽ gây ra ung thư cổ tử cung, nhiễm vi khuẩn HP gây ra ung thư dạ dày.

Khoảng 5 - 10% ung thư có liên quan tới yếu tố di truyền.

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới ảnh hưởng đến mọi người bất kể quốc gia, chủng tộc hay tôn giáo. 

Dấu hiệu và triệu chứng

Hầu hết các ung thư lần đầu được chẩn đoán dựa vào các triệu chứng khối u xuất hiện có thể tình cờ phát hiện khi khám các bệnh lý không liên quan khác. Ban đầu bệnh nhân ung thư không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Khi xuất hiện triệu chứng rõ rệt thường là khi bệnh đã tiến triển trầm trọng và muộn.

Thông thường ung thư có thời gian ủ bệnh là thời gian từ khi một tế bào bị đột biến thành tế bào ung thư đến khi các triệu chứng của bệnh được bộc lộ khá dài, khoảng 10 năm hoặc hơn nữa tùy thể loại ung thư. Cho nên cách phòng và điều trị ung thư hiệu quả nhất được khuyến cáo là nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Khi thấy các triệu chứng sau cần lưu ý.

Triệu chứng tại chỗ: các khối u bất thường hay phù nề, chảy máu, đau hoặc loét lâu khỏi. Chèn ép vào mô xung quanh có thể gây ra các triệu chứng như vàng da.

Triệu chứng của di căn (lan tràn): hạch bạch huyết lớn lên, ho, ho ra máu, gan to, đau xương, gãy xương ở những xương bị tổn thương và các triệu chứng thần kinh. Đau có thể gặp ở ung thư giai đoạn tiến triển, nhưng thông thường đó không phải là triệu chứng đầu tiên.

Triệu chứng toàn thân: sụt cân, chán ănsuy mòn, tiết nhiều mồ hôi (đổ mồ hôi trộm), thiếu máu và các hội chứng cận u đặc hiệu, đó là tình trạng đặc biệt được gây ra bởi ung thư đang hoạt động.

Mỗi vấn đề nêu trên đều có thể gây ra bởi nhiều bệnh lý khác nhau do vậy ung thư có thể được phát triển từ một bệnh lý thường gặp hay hiếm gặp gây ra các triệu chứng này.

Một số phương pháp chẩn đoán bệnh ung thư được áp dụng

Chụp Xquang: Đây là kỹ thuật có giá trị rất lớn trong chẩn đoán ung thư phổi - phế quản, và ung thư xương, phát hiện sàng lọc ung thư vú, phát hiện khối ung thư ở giai đoạn sớm với dấu hiệu nốt vôi hóa rất nhỏ.

Siêu âm: phương pháp chẩn đoán hiện đại, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, được ứng dụng nhiều trong chẩn đoán ung thư nguyên phát, sự xâm lấn của u nguyên phát sang các cơ quan lân cận và phát hiện di căn xa như: ung thư gan, ung thư thận, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến giáp, cổ tử cung...vv. Siêu âm là phương pháp chẩn đoán không can thiệp, không độc hại, giá thành không cao nên có thể tiến hành ở nhiều cơ sở y tế.

Chụp CT Scanner: Cho phép chụp hàng loạt hình có độ chính xác và độ phân giải cao các khối u nằm sâu trong ở các cơ quan như: Gan, thận, tụy, não..., kể cả các hạch lympho (nông hoặc sâu). Hiện nay có nhiều thế hệ máy chụp CT Scanner từ thế hệ 1 - 5. Phương pháp này chẳng những làm nổi bật các khối u nguyên phát mà cả các ổ di căn với khả năng phát hiện các khối u (nguyên phát và thứ phát) có đường kính xấp xỉ 1 cm.

Nội soi: phương pháp sử dụng máy nội soi có thể quan sát được các gốc tự nhiên, các nội tạng trong cơ thể một cách trực tiếp, đồng thời làm một số thủ thuật sinh thiết chẩn đoán. Ngày nay các kỹ thuật nội soi ngày càng phát triển (bao gồm nội soi chẩn đoán và phẫu thuật soi) do các tiến bộ của khoa học vật lý quang học và vi mạch điện tử. Phương pháp đóng một vai trò to lớn trong chẩn đoán các ung thư: Đầu, mặt, cổ, ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại trực tràng) và ung thư phổi - phế quản…

Sinh thiết: để chẩn đoán xác định độ ác tính thì phải cần đến khám nghiệm vi thể tế bào ung thư của các nhà giải phẫu bệnh. Thủ thuật để lấy được tế bào hoặc các mẫu bệnh phẩm và khám nghiệm chúng được gọi là sinh thiết. Phương pháp này chẩn đoán nhanh trong vòng thời gian ngắn nhất. Chẩn đoán mô học sẽ xác định loại tế bào ung thư đang tiến triển, mức độ ác tính, sự lan tràn và kích thước của chúng. Di truyền học tế bàohóa mô miễn dịch có thể cung cấp các thông tin tiên lượng về xu hướng phát triển sau này của ung thư phương pháp điều trị tốt nhất.

Ngoài ra một số phương pháp hiện đại để chẩn đoán và phát hiện ung thư như chụp cộng hưởng từ, chụp từ trường hạt nhân tia X tại các tuyến trung ương đang được áp dụng.

Tất cả ung thư đều có thể được chữa trị nếu như khối u được cắt bỏ hoàn toàn và đôi khi điều này có thể thực hiện bởi sinh thiết. Khi toàn bộ khối mô tổn thương bất thường được loại bỏ, bờ của bệnh phẩm phải được khám xét cẩn thận để xác định chắc mô ác tính đã thực sự được loại bỏ. Nếu ung thư lan tràn đến vị trí khác của cơ thể (di căn), phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn là không thể.

Biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư

Áp dụng một chế độ dinh dưỡng, ăn uống hợp lý: 

- Lựa chọn thực phẩm sạch, xây dựng bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng để có một cơ thể khỏe mạnh và phòng chống nhiều bệnh tật, trong đó có ung thư. Ăn đa dạng nhiều món và thường xuyên thay đổi món trong các bữa ăn với chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng, chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng: protein, lipid, glucid, vitamin và chất khoáng để làm tăng sức đề kháng của cơ thể.

- Không nên hoặc hạn chế: ăn các thực phẩm chứa nguy cơ gây ung thư như các món nướng ở nhiệt độ cao bị cháy khét, thực phẩm sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, các loại dưa muối, các thực phẩm phơi khô, …; hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh như: xúc xích, dăm bông, đồ hộp, gà rán, pizza, …; không sử dụng thực phẩm hết hạn sử dụng bị mốc như các loại hạt: lạc, đỗ, …; đồ ăn lâu ngày bị mốc như bánh chưng, bánh gai, ...

Không hút thuốc: thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi, nhất là người hút thuốc nhiều và trong thời gian dài. Hút thuốc lá còn có thể gây ra hàng loạt các căn bệnh ung thư khác như: ung thư miệng, vòm họng, thanh quản, ruột, cổ tử cung, tuyến tụy và thận. Thậm chí việc hút thuốc thụ động cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi. Do đó, không hút thuốc hay sử dụng các sản phẩm từ cây thuốc lá là một biện pháp ngăn ngừa ung thư quan trọng.

Duy trì cân nặng hợp lý: Thể trạng thừa cân hoặc béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư và các bệnh khác. Duy trì một cân nặng hợp lý là điều quan trọng để giảm thiểu nguy cơ bị mắc ung thư. Mỗi người nên duy trì cân nặng khỏe mạnh với chỉ số BMI trong khoảng từ 18,5 - 24,9.

Tích cực luyện tập thể dục thể thao: Tập thể dục, thể thao thường xuyên có thể giúp duy trì nồng độ các hoóc môn trong cơ thể ở mức lành mạnh, tránh cho cơ thể bị tích mỡ, béo phì, đồng thời còn tăng cường hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa. Vận động tích cực không chỉ tốt cho tim và phổi, mà còn giúp chúng ta giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Hạn chế rượu bia và các loại đồ uống có cồn: Những người tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao hơn người không sử dụng hoặc sử dụng trong liều lượng cho phép. Lượng đồ uống có cồn tiêu thụ càng nhiều, nguy cơ mắc các bệnh ung thư càng cao và còn cao hơn nữa khi vừa sử dụng đồ uống có cồn và hút thuốc.

Khám sức khỏe định kỳ: Là cách tốt nhất để phát hiện ra rất nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh ung thư, phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi sẽ cao. Tốt nhất nên khám kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm 1 lần.

Ngoài ra, cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ để phòng được các bệnh mà khi mắc rất dễ tiến triển thành ung thư như: tiêm phòng vi rút viêm gan B, tiêm phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung…

Tầm soát ung thư

    Tầm soát ung thư có thể giúp phát hiện sớm bệnh. Chẩn đoán sớm giúp kéo dài đời sống. Một số biện pháp tầm soát đã được triển khai. 

    Ung thư đại trực tràng có thể được phát hiện nhờ vào xét nghiệm máu tiềm ẩn trong phân và soi đại tràng, chúng giúp làm giảm đi tỷ lệ mắc bệnh và tử vong nhờ phát hiện và loại bỏ các polyp tiền ác tính.

    Một cách tương tự, xét nghiệm tế bào học cổ tử cung giúp xác định và cắt bỏ các tổn thương tiền ung thư đã dẫn đến giảm rõ rệt tỷ lệ ung thư cổ tử cung và tỷ lệ tử vong.

Tầm soát ung thư vú có thể được thực hiện bởi tự khám vú. Tầm soát bằng chụp tuyến vú phát hiện được khối u sớm hơn cả tự thăm khám, ở nhiều nước đã sử dụng nó để tầm soát một cách hệ thống tất cả các phụ nữ trung niên từ 40 tuổi trở lên.

    Nam giới được khuyên tự khám tinh hoàn bắt đầu từ tuổi 15 để phát hiện ung thư tinh hoàn. Ung thư tiền liệt tuyến có thể được tầm soát nhờ vào khám trực tràng bằng ngón tay cùng với thử máu tìm kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến.

Nhiều bệnh nhân ung thư khi được phát hiện ra đã ở giai đoạn muộn, vì vậy chi phí điều trị tăng cao, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh thấp. Bệnh ung thư không chỉ là gánh nặng của bệnh nhân và gia đình mà còn là gánh nặng rất lớn cho toàn xã hội. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng một chế độ ăn uống và lối sống khoa học, lành mạnh để chủ động bảo vệ sức khỏe của mình đối với các loại bệnh tật trong đó có bệnh ung thư./.

Người sưu tâm: Nguyễn Linh Trang


Bài viết liên quan

Hợp tác chuyên môn