Công tác xã hội trong Bệnh viện
Nghề CTXH ở Việt Nam có thể được coi là chính thức được công nhận từ năm 2010 sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010. CTXH trong ngành Y tế cũng đã được hình thành ngay sau đó khi mà Bộ Y tế ban hành Đề án “Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011-2020”. Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, CTXH đã phát triển trở thành một nghề chuyên nghiệp và có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, nghề CTXH mới chỉ ở bước đầu hình thành, chưa được phát triển theo đúng ý nghĩa và tầm vóc của nó trên tất cả các khía cạnh, từ nhận thức, thể chế, mạng lưới tổ chức hoạt động, đội ngũ cán bộ, nhân viên chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Hệ thống cơ sở dịch vụ về CTXH chưa phát triển trong khi để thực hiện tốt các chính sách xã hội thì việc phát triển nghề CTXH là hết sức cần thiết, là một yêu cầu khách quan của quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.Thực tế cho thấy, một số bệnh viện đã triển khai hoạt động xã hội để giúp đỡ người bệnh. Hầu hết các bệnh viện trong cả nước, nhất là các bệnh viện tuyến trên thường xuyên trong tình trạng quá tải. Nhân viên y tế không có đủ thời gian và khả năng để giải quyết nhiều nhu cầu bức xúc của bệnh nhân như hướng dẫn giải thích về quy trình khám chữa bệnh, tư vấn về phác đồ điều trị, cách phòng ngừa bệnh tật cho đến hỗ trợ về tâm lý, tinh thần cho người bệnh, khai thác thông tin về đặc điểm nhân khẩu xã hội của người bệnh, cung cấp thông tin về giá cả, chất lượng, địa điểm của các loại dịch vụ… thực trạng này đang dẫn đến không ít những phiền hà cho người bệnh như: Sự thiếu hụt thông tin khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh, sự không hài lòng của bệnh nhân đối với các cơ sở y tế…
Công tác xã hội trong bệnh viện là các hoạt động hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh và các nhân viên y tế trong bệnh viện nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và tâm lý liên quan đến bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh. Mục đích là hỗ trợ các nhóm đối tượng khắc phục những khó khăn về xã hội để đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Nhân viên CTXH trong bệnh viện là cầu nối để giải quyết các mâu thuẫn giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giữa bệnh nhân và bệnh nhân, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân…
Công tác xã hội trong bệnh viện có nhiệm vụ bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân thông qua việc tư vấn các vấn đề xã hội có liên quan cho bệnh nhân và gia đình của họ trong quá trình điều trị; tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ trên cơ sở tìm hiểu và phân tích các yếu tố xã hội có ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân; kết nối các dịch vụ hỗ trợ cho từng bệnh nhân; nghiên cứu cung cấp bằng chứng từ thực tế hoạt động để đề xuất chính sách; hỗ trợ giải tỏa tâm lý cho bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế…
Ngoài ra, CTXH trong bệnh viện còn có nhiệm vụ giúp đỡ và tìm nguồn tài trợ cho các bệnh nhân nghèo, công tác truyền thông và quan hệ công chúng trong bệnh viện, tham gia công tác đào tạo tại bệnh viện…
Công tác xã hội (CTXH) trong bệnh viện thực sự có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. CTXH không đơn thuần chỉ là công tác từ thiện trong bệnh viện, như các bữa ăn, nồi cháo từ thiện cho bệnh nhân nghèo, tặng quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Có thể khẳng định rằng CTXH trong bệnh viện là một nội dung hoạt động rất quan trọng trong quá trình chuyên nghiệp hoá lĩnh vực công tác xã hội, góp phần không nhỏ vào công cuộc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Đồng thời, việc thực hiện thành công “Đề án phát triển nghề công tác xã hội trong lĩnh vực y tế” sẽ góp phần đáng kể cải thiện năng lực của hệ thống Y tế Việt Nam./.
Sưu tầm: Nông Thị Nga