Sốt xuất huyết

Vi rút sốt xuất huyết do một loại muỗi sinh sản ở những vật dụng chứa nước trong nhà truyền sang người. Aedes aegypti là loại vector truyền bệnh chính, mặc dù những loài muỗi khác, như Aedes albopictus, cũng là vector truyền bệnh quan trọng.
Sốt xuất huyết được ghi nhận lần đầu tiên ở Việt Nam năm 1959. Từ đó đến nay căn bệnh này đã lưu hành ở tất cả các địa phương trên cả nước.
Theo thông tin mới nhất của Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn, hiện đã có 03 trường hợp nghi ngờ mắc Sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Hữu Lũng (01), huyện Chi Lăng (01), thành phố Lạng Sơn (01) đều chưa được chẩn đoán phòng xét nghiệm.
Để phòng chống bệnh Sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát, lây lan rộng, đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt sau đây:

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng/bọ gậy
+ Thay nước và cọ rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, vại…) hàng tuần.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh như: chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bô, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá… dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa.
- Đuổi muỗi:
Muỗi là nguyên nhân gây ra sự lan truyền bệnh sốt xuất huyết, để phòng bệnh, cách hiệu quả nhất là phòng tránh bị muỗi đốt.:
Nhiều người không muốn sử dụng hóa chất diệt muỗi liên tục, tuy nhiên vẫn có những cách tự nhiên, dễ làm lại có khả năng xua muỗi trong nhà hiệu quả trong mùa sốt xuất huyết.
  • Sử dụng tinh dầu khuynh diệp: Tinh dầu khuynh diệp có tác dụng chống muỗi rất hiệu quả. Nhất là khi trộn dầu khuynh diệp với chanh theo tỷ lệ 1:1, thoa hỗn hợp này lên da sẽ khiến muỗi không dám "bén mảng". Phương pháp này vô cùng an toàn cho cả phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ mà hiệu quả cao.
  • Sử dụng tinh dầu bạc hà: Tinh dầu bạc hà ngoài việc tạo mùi thơm, kháng khuẩn cho không khí, còn có tác dụng chống và đuổi muỗi rất tốt và hiệu quả. Có thể giúp muỗi tránh xa bằng cách thoa tinh dầu bạc hà lên người, quần áo… Nhiều gia đình có thể trồng cây bạc hà xung quanh nhà hoặc trồng trong chậu và đặt ở trong phòng, ban công cũng là cách chống và đuổi muỗi đơn giản, hiệu quả.
  • Sử dụng dầu tràm: Dầu tràm cũng có khả năng đuổi muỗi tuyệt vời. Vì không quá nóng nên có thể sử dụng dầu tràm nhỏ vào nước tắm, thoa lên da, quần áo… để tránh muỗi đốt. Thậm chí, nếu đã bị muỗi đốt, có thể bôi dầu tràm lên vùng da đó cũng làm dịu vết đốt, nhanh khỏi.
  • Đuổi muỗi bằng tỏi: Chỉ cần nghiền nát tỏi, đun sôi cùng với một chút nước, rồi lấy nước này xịt quanh phòng. Mùi tỏi sẽ khiến muỗi sẽ không dám bén mảng vào phòng.
  • Đốt vỏ quýt: Vỏ quýt phơi khô, sau đó đốt lên để mùi lan tỏa tại các góc phòng, sẽ khiến muỗi phải bỏ đi nơi khác. Mùi khói từ vỏ quýt có tác dụng giúp bạn diệt trừ ruồi muỗi rất hiệu quả lại có thể khử mùi trong nhà.
- Phòng, chống muỗi đốt:
  • Mặc quần áo dài tay.
  • Ngủ trong màn kể cả ban ngày.
  • Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diện muỗi…
  • Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác./.

Hợp tác chuyên môn