“Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!”

Tháng hành động là sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người nhiễm mới HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ảnh: Nguồn Internet
Triển khai toàn diện các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.
Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, trong đó đề ra mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. Theo số liệu của Bộ Y tế, 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có khoảng 249.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 230.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống. Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây.
Nguy cơ dịch AIDS quay trở lại còn cao
Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao. Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS- Bộ Y tế, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở mức trên 12,1%; đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,95% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 12,5% năm 2022). Nhóm nam quan hệ đồng tính chiếm khoảng 42,3% trong số người nhiễm HIV được phát hiện 8 tháng đầu năm 2023, chủ yếu ở độ tuổi trẻ từ 16 - 29 tuổi (chiếm 41,7%), đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên (cá biệt có tỉnh chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện).
Cũng trong giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 16 - 29 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4,0% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,9% năm 2023. Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này cho thấy, 88,5% lây qua đường tình dục, đối tượng là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 76,9% trong số những ca mới phát hiện trong độ tuổi này.
Trước tình hình dịch HIV/AIDS còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi công tác phòng, chống HIV/AIDS cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Đặc biệt, dịch HIV/AIDS đang ảnh hưởng mạnh lên nhóm tuổi trẻ, đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ và phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động các cấp, ngành Giáo dục - Đào tạo và Ngành y tế trong việc đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS ở trường học và các khu công nghiệp; tăng cường phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông, vận động, giáo dục bằng nhiều hình thức để nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành cho thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân trong cuộc chiến với đại dịch HIV/AIDS, hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Các biện pháp phòng HIV/AIDS sau:
1. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường tình dục:
- Sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng và cả hai người đều chưa bị nhiễm HIV. Không quan hệ tình dục bừa bãi.
- Trong trường hợp quan hệ tình dục với một đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV không, cần phải thực hiện tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách.
- Phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vì những tổn thương do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục sẽ là cửa vào lý tưởng cho HIV
2. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường máu:
- Không tiêm chích ma túy.
- Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.
- Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu...
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV
- Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,...
3. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con:
- Người phụ nữ bị nhiễm HIV thì không nên có thai vì tỷ lệ lây truyền HIV sang con là 30%, nếu đã có thai thì không nên sinh con.
- Trường hợp muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.
- Sau khi đẻ nếu có điều kiện thì nên cho trẻ dùng sữa bò thay thế sữa mẹ.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang


Bài viết liên quan

Hợp tác chuyên môn