Biện pháp phòng chống tác hại của rượu, bia

Vào dịp Lễ, tết là thời điểm mà khó tránh khỏi việc sử dụng rượu bia trong các bữa tiệc, liên hoan, sum họp gia đình, bạn bè. Khi uống rượu bia nhiều sẽ khiến chúng ta thường có biểu hiện, cảm giác thường gặp như đau nhức đầu, nôn, mệt mỏi, lú lẫn…không những thế về lâu dài sẽ là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra các vấn đề liên quan đến gan, thận, thần kinh, tim mạch, ung thư và nhiều vấn đề khác nữa…

Ảnh: Nguồn internet
Dưới đây là một số tác hại của rượu, bia, đồ uống có cồn ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người như:
     Ảnh hưởng tới não bộ: Khi một lượng cồn lớn vào trong cơ thể chúng gây rối loạn bộ não của cơ thể, khiến bộ não của chúng ta không còn kiểm soát, điều chỉnh được các hoạt động của các trung tâm dưới vỏ. Từ đó gây ra các hành động tiêu cực của người uống như đi đứng loạng choạng, phản ứng chậm, mất kiểm soát và liễu lĩnh hơn.
Tác hại với dạ dày: Theo một số nghiên cứu, khi rượu bia vào trong cơ thể chũng bị phân hủy thành các chất rất độc có thể gây viêm loét dạ dày. Khi lượng bia, rượu đưa vào cơ thể quá nhiều sẽ gây ra bệnh viêm loét dạ dày, loét dạ dày và tá tràng.
Tác hại với gan: Khi rượu vào cơ thể nó được hấp thụ nhanh với 20% hấp thu tại dạ dày và 80% tại ruột non, sau 30- 60 phút tòan bộ rượu được hấp thu hết. Sau đó, rượu được chuyển hóa chủ yếu vào tại gan (90%). Chính vì lý do này mà chức năng ngăn các chất độc khác nhau do máu mang từ ruột hoặc ở ngoài đến gan bị suy giảm, dẫn đến việc gan bị nhiễm mỡ, xơ gan và nghiêm trọng hơn nữa là ung thư gan.
Tác hại với tim mạch, huyết áp: Rượu gây ra thiếu B1, làm cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, phù, tím tái, giảm khả năng gắng sức… dần dần dẫn tới suy tim. Nhiễm độc rượu dẫn tới viêm cơ tim cấp, gây nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, rượu còn gây rối loạn nhịp nhĩ hay nhịp thất, nhất là nhịp nhanh kịch phát ở những người bình thường.
Giảm sức đề kháng của cơ thể: Rượu bia làm giảm khả năng tấn công vi khuẩn và phòng ngừa bệnh tật của hệ miễn dịch. Chính vì thế mà người say rượu rất dễ bị cảm,…
Ảnh hưởng đến sức khỏe: Rượu bia làm suy yếu sự trao đổi chất, gia tăng axit uric – nguyên nhân của bệnh gout. Người uống rượu sẽ thường cảm thấy đau nhức, mỏi xương khớp.
Ảnh hưởng đến khả năng tình dục và sức khỏe sinh sản: Đối với nam giới, nồng độ cồn trong máu từ 8- 10g/100cc đủ làm giãn nở mạch máu, gây cản trở quá trình quan hệ, đặc biệt rượu bia còn làm ảnh hưởng chất lượng tinh trùng, khi kết hợp với trứng để thụ thai dễ dẫn đến suy yếu thế hệ.
Đối với nữ giới nghiện rượu sẽ làm suy yếu vùng hạ đồi - tuyến yên, buồng trứng dẫn đến trứng không rụng nữa, gây rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, gây nguy cơ sinh non…
Gây ra các bệnh về tâm thần: Rượu là một chất tác động tâm thần mạnh. Sử dụng rượu nhiều sẽ gây ra một số các bệnh lý rối loạn tâm thần.
Với mục tiêu nhằm giảm tác hại của việc sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế thông qua các biện pháp về giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp, hạn chế tính sẵn có của rượu, bia; giảm tác hại, bảo đảm nguồn lực để phòng, chống tác hại của rượu, bia góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân, phòng ngừa tai nạn giao thông, Trung tâm Y tế Hữu Lũng khuyến cáo người dân các biện pháp phòng chống tác hại của rượu bia
Thứ nhất, biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia.
        Theo đó, Luật phòng chống tác hại của rượu bia quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông. Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông.
Thứ hai, biện pháp phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe.
       Các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe bao gồm: Tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia cho người đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế; sàng lọc, phát hiện sớm yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe của người uống rượu, bia, người mắc bệnh, rối loạn chức năng do uống rượu, bia và người nghiện rượu, bia; can thiệp giảm tác hại cho người có yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, phụ nữ mang thai có hội chứng hoặc nguy cơ ngộ độc rượu ở thai nhi, phòng, chống nghiện và tái nghiện rượu, bia; chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh, rối loạn chức năng có liên quan đến uống rượu, bia.
Thứ ba, biện pháp tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
       Tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm các nội dung thông tin, kiến thức, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết và ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia.
Việc tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia tập trung vào người thường xuyên uống rượu, bia; người nghiện rượu, bia; thành viên gia đình có người thường xuyên uống rượu, bia, người nghiện rượu, bia; trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai; người bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia.
Thứ tư, biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng.
     Tuyên truyền, vận động các gia đình, thành viên thuộc tổ chức, cộng đồng tham gia tuyên truyền và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa và hoạt động khác tại cộng đồng. Vận động, khuyến khích quy định trong hương ước, quy ước việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư. Vận động cá nhân, tổ chức không sử dụng sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Phát hiện, phản ánh người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia để cảnh báo, phòng ngừa, xử lý hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Thứ năm biện pháp chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia
     Các biện pháp chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia bao gồm: Tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú về tác hại của rượu, bia đối với thai nhi, trẻ em và tư vấn cho người bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia khi sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; can thiệp, hỗ trợ, áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để không bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia và các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật./
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang


Bài viết liên quan

Hợp tác chuyên môn