Giảm thiểu rác thải nhựa, đảm bảo môi trường bệnh viện “Xanh - Sạch - Đẹp”

 Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6), Ngày Đại dương thế giới (08/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2023, Trung tâm Y tế Hữu Lũng khuyến cáo tới người dân về giảm thiểu rác thải nhựa, giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt là đảm bảo xây dựng môi trường bệnh viện “Xanh - Sạch, Đẹp” văn minh, văn hóa.

Ảnh: Nguồn internet
          Các sản phẩm nhựa như: túi nilong, ống hút nhựa, cốc nhựa, hộp xốp, chai nhựa đựng nước uống… hiện đang là những vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của tất cả mọi người. Chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, vật dụng bằng nhựa có nhiều giá trị sử dụng trong cuộc sống con người. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia môi trường thì những vật dụng này là những vật dụng gây ô nhiễm môi trường và khó phân hủy nhất.
          Trung bình mỗi phút trên thế giới có khoảng 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm có khoảng 5.000 tỷ túi nilong được tiêu thụ.
          Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có lượng tiêu thụ nhựa trong cuộc sống hằng ngày cao hàng đầu thế giới. Báo cáo của Hiệp hội nhựa Việt Nam cho biết vào năm 2015, Việt Nam đã sản xuất và tiêu thụ đến 5 triệu tấn nhựa. Con số tiêu thụ này đã tăng rất mạnh trong giai đoạn 1990 – 2018, nếu như năm 1990, mỗi người Việt Nam tiêu thụ 3,8 kg nhựa/năm thì đến năm 2018 con số này đã lên đến 41,3 kg nhựa/năm.
          Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilong/tháng, riêng hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilong.
          Chính vì tình hình rác thải nhựa đang lên đến mức báo động như trên, thì tác hại mà chúng gây ra cho môi trường cũng không hề nhỏ. Cụ thể:
          Tác hại nguy hiểm nhất của rác thải nhựa, đặc biệt là của túi nilong tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Mỗi loại chất nhựa có số năm phân huỷ khác nhau với thời gian rất dài, hàng trăm năm có khi tới hàng nghìn năm. Đơn cử theo thông tin từ báo Môi trường & Đô thị thì: chai nhựa phân hủy sau 450 năm – 1000 năm; ống hút, nắp chai sẽ phân hủy sau 100 năm – 500 năm; bàn chải đánh răng phân hủy sau 500 năm, cốc sữa chua mất 100-500 năm, bỉm dùng 1 lần, băng vệ sinh 500 năm, túi nilon loại dày mất 500-1000 năm mới phân hủy hết.
          Các loài động vật khi ăn phải rác thải nhựa có thể chết, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh thái.
          Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước:
          Khi đốt, rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc đi-ô-xin, furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư,…
          Khi chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, nó có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của các vi sinh vật có lợi cho cây ở dưới lòng đất.
          Ví dụ, nếu một ngày khắp nơi tràn ngập rác thải nhựa và túi nilong khó phân hủy, các loài sinh vật biển, vi sinh vật có lợi dưới đất không còn tồn tại, nguồn đất, nguồn nước bị ô nhiễm, các loài cây cối cũng chết dần vì các mảnh đất khô cằn chứa toàn rác thải. Ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của chúng ta và thế hệ tương lai.
          Việc loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa ra khỏi cuộc sống của chúng ta là một việc làm khó khả thi ở thời điểm này, điều đó cần có kế hoạch cụ thể và một lộ trình lâu dài để thay đổi hành vi, thói quen của mọi người. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng lại không có những hành động, giải pháp để hạn chế, phòng, chống rác thải nhựa ngay lúc này. Một số giải pháp đơn giản, hiệu quả chúng ta có thể làm để giảm thiểu tối đa tác hại của rác thải nhựa và túi nilong như sau:
          Thay thế các vật dụng nhựa bằng các vật dụng khác thân thiện với môi trường:
          Dùng làn thay cho túi bóng đi chợ, dùng ống hút tre, inox thay cho ống nhựa, sử dụng các loại lọ bằng thủy tinh thay lọ nhựa, đi làm đi chơi mang theo ly nước riêng của mình để k phải sử dụng chai nhựa.
          Hạn chế kẹo cao su: Theo truyền thống, kẹo cao su được làm từ nhựa cây chicle, một loại cao su tự nhiên. Nhưng khi các nhà khoa học tạo ra cao su tổng hợp thì nhiều nhà sản xuất bắt đầu dùng nó để thay thế cao su thiên nhiên vì tính kinh tế của nó. Bởi vậy, khi ăn kẹo cao su, chúng ta không chỉ đang nhai nhựa, mà còn có thể nhai nhựa độc hại, một chất hóa học được cho là gây ra các khối u trên những con chuột dùng làm thí nghiệm, chưa kể nguy cơ liên quan đến răng miệng nếu bạn nhai những loại kẹo cao su kém chất lượng.
          Chúng ta cần hành động ngay từ bây giờ để có một môi trường sống xanh, sạch và trong lành hơn./.


Bài viết liên quan

Hợp tác chuyên môn