Hưởng ứng Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2024 (02/02/2024)

Đất ngập nước - những nơi mà nước là nhân tố chính kiểm soát môi trường và hệ động thực vật sinh sống ở vùng đó. Những vùng đầm lầy, miền đầm lầy, vùng đất than bùn, vùng đất tù nhiên hoặc nhân tạo, có thể tồn tại lâu dài hay tạm thời, có nước tĩnh hoặc nước chảy, là nước ngọt, nước lợ hay nước mặn, bao gồm cả những vùng nước biển có độ sâu không quá 6 mét khi triều kiệt. Bên cạnh đó, có những vùng đất ngập nước do con người tạo nên như ao nuôi cá và tôm, ao chăn nuôi, đất nông nghiệp được tưới tiêu, hồ muối, hồ chứa nước, hố đào cát sỏi, nơi xử lý nước thải và kênh mương.
Cán bộ Y tế TTYT thực hiện lao động định kỳ giữ gìn vệ sinh môi trường hướng tới ngày Ngày Đất ngập nước Thế giới năm nay (2/2/2024)
Các vùng đất ngập nước có vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống con người và thiên nhiên thông qua các dịch vụ cung cấp, hỗ trợ, điều tiết, văn hóa. Vùng đất ngập nước có thể lọc các chất độc hại; lưu trữ cacbon giúp chống lại các tác động của biến đổi khí hậu; giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong điều kiện thời tiết cực đoan; lưu trữ nước mưa, nước chảy tràn khi bão giúp giảm lũ lụt và hỗ trợ nước khi hạn hán; bảo đảm đa dạng sinh học, là môi trường sống của hơn 100 nghìn loài sinh vật; bảo đảm nguồn cung cấp thức ăn và tạo nên các nguồn sinh kế cho khá nhiều người dân.
Ban thư ký Công ước Ramsar cho biết, Ngày Đất ngập nước Thế giới năm nay (2/2/2024) có chủ đề “Đất ngập nước và Phúc lợi cho con người”.
Những lợi ích mà vùng đất ngập nước mang lại giúp duy trì sự sống và là trung tâm của phúc lợi cho con người. Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của đất ngập nước, Ban thư ký Công ước Ramsar đã đề nghị các quốc gia hưởng ứng, tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới vào ngày 02 tháng 02 năm 2024 với chủ đề “Đất ngập nước và Phúc lợi cho con người” với mục tiêu làm nổi bật mối liên hệ giữa phúc lợi cho con người với sức khỏe của các vùng đất ngập nước trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng trong các hoạt động quản lý của con người đối với các vùng đất ngập nước trên thế giới.
Hãy bảo vệ và phục hồi vùng đất ngập nước từ hôm nay, mỗi cá nhân, công đồng cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường Xanh- Sạch – Đẹp, giữ gìn môi trường nước từ ao, hồ, sông, suối an toàn, vệ sinh,… Bảo đảm nguồn nước sạch, lưu thông chống ô nhiễm nguồn nước của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu Ramsar trong các vùng miền của đất nước. Dọn vệ sinh, tập kết, xử lý rác thải rắn, rác thải nhựa, rác thải lỏng đúng quy định của nhà nước. Bảo vệ và trồng thật nhiều cây ven các sông, suối lớn, hồ lớn bằng các loài thực vật ưa ẩm, chịu được các điều kiện thay đổi về độ mặn, tạo hành lang xanh vững chắc để ngăn ngừa và làm nơi thích ứng cho cuộc sống của các loài khi thời tiết thay đổi thất thường. Hạn chế xả nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa được xử lý đổ vào các sông, hồ,... Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và huy động sự tham gia, cam kết của cộng đồng trong bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, dừng các hoạt động gây suy thoái và thúc đẩy phục hồi đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước. Tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước, nhất là phát huy được các giá trị dịch vụ hệ sinh thái và bảo vệ được đặc tính sinh thái của các hệ sinh thái đất ngập nước có giá trị cao về đa dạng sinh học, môi trường, kinh tế-xã hội.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang


Bài viết liên quan

Hợp tác chuyên môn