Tiêm vắc xin cúm – Cách phòng bệnh hiệu quả

Bệnh cúm xảy ra quanh năm song tần suất bệnh cao nhất vào mùa đông. Mọi người đều có khả năng cảm nhiễm cao với bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, những người có nguy cơ cao mắc bệnh cúm mùa bao gồm: phụ nữ đang mang thai, người cao tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, người mắc bệnh mãn tính, nhân viên y tế. Tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận 1,6 - 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh cúm
Bệnh cúm là bệnh nhiễm vi rút cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy), đặc biệt ở trẻ em. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.
Phương thức lây truyền bệnh
Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp bị nhiễm vi rút của bệnh nhân hoặc giọt nhỏ nước bọt bị bắn ra khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Những giọt nước bọt nhỏ mang vi rút có thể được khuếch tán rộng trong không khí để lây bệnh trong môi trường khép kín. Ngoài ra, có thể lây gián tiếp qua bàn tay, khăn tay, đồ dùng bệnh nhân. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.
Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch. Bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau: đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát. Bệnh cúm lan truyền nhanh trong các mùa dịch cúm và gây nên gánh nặng về kinh tế do phí tổn phải nằm viện điều trị và chăm sóc y tế cũng như nghỉ việc do bị bệnh. Sau khi bị bệnh cúm, người dân sẽ có miễn dịch đặc hiệu với vi rút gây nhiễm nhưng thời gian miễn dịch thường không bền, phụ thuộc vào mức độ biến đổi kháng nguyên và số lần bị nhiễm trước đây và không có tác dụng bảo vệ đối với những týp vi rút mới.
Tiêm vắc xin cúm
Tiêm vắc xin cúm tạo kháng thể là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh. Sử dụng vắc xin phòng cúm hàng năm được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị cho tất cả mọi người. Khả năng bảo vệ sau khi tiêm ngừa đạt khoảng 97%. Người đã tiêm ngừa vẫn có thể mắc cúm nhưng các triệu chứng sẽ nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn, nguy cơ gặp biến chứng cũng giảm.
Lịch tiêm vắc xin cúm cho người lớn và trẻ em
Đối với người lớn và trẻ em trên 3 tuổi tiêm 1 liều 0.5ml
Riêng với trẻ em dưới 9 tuổi chưa bị nhiễm cúm hay chưa tiêm chủng vắc xin cúm trước đó nên tiêm liều thứ 2, tiêm cách liều 1 ít nhất 4 tuần
Người dân cần tiêm nhắc lại mũi vắc xin cúm hàng năm.
Thời điểm lý tưởng nhất để tiêm phòng cúm là trước khi vào mùa dịch để tăng hiệu quả của vắc xin. Ở Việt Nam, dịch cúm thường bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Riêng phụ nữ dự định mang thai không nên tiêm hoặc tiêm phòng cúm trước khi có thai 3 tháng.
Cần tiêm vắc xin cúm hàng năm
Thời gian miễn dịch cúm sau khi tiêm ngừa trung bình khoảng một năm. Vi rút cúm thường xuyên thay đổi tính kháng nguyên. Để bảo đảm sự tương đồng giữa chủng vi rút cúm có trong vắc xin và chủng vi rút cúm hiện đang lưu hành. Kháng thể bảo vệ tạo ra bởi vắc xin cúm tồn tại trong thời gian ngắn dưới 1 năm. Vì vậy, thành phần của vắc xin cúm cũng luôn được cập nhật để phù hợp với chủng virus đang lưu hành trên thế giới. Trước khi tiêm ngừa, bác sĩ sẽ tư vấn cho người dân về loại vắc xin cúm được tiêm.
Địa điểm tiêm phòng cúm
Vắc xin cúm không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bởi vậy để ngừa cúm, người dân có thể lựa chọn tiêm dịch vụ tại khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS của Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng. Tại đây, các bác sĩ sẽ khám, tư vấn và hẹn lịch tiêm chủng để đảm bảo sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng giúp người dân phòng bệnh mà không phải di chuyển xa, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại./.
Người viết và sưu tầm: Nguyễn Linh Trang

Hợp tác chuyên môn