Trung tâm Y tế Hữu Lũng hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống lao (24/3/2020)

Không chỉ đối mặt với cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát vào năm 2019, Việt Nam vẫn đang bền bỉ chiến đấu chống dịch bệnh lao kéo dài đe dọa tới sức khỏe của người dân trong suốt nhiều thập kỷ qua. Trong thời điểm này, Việt Nam muốn truyền đi thông điệp “Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030” trong dịp kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2020. Đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, được xếp loại bệnh có nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng. 


Ảnh: Nguồn Internet

Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn COVID-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí với các hạt mịn có kích thước 5 micromét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Trong khi đó, COVID-19 chỉ lây khi tiếp xúc với giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên miệng mắt mũi. 

Trong vòng 6 tháng tính đến ngày 20/3/2020 tại các trạm y tế xã trên địa bàn huyện Hữu Lũng đang quản lý hơn 55 người dân mắc bệnh lao được duy trì điều trị theo chương trình Chống lao quốc gia. Lao là bệnh có thuốc chữa nhưng người dân không được chủ quan bởi số người chết do lao chủ yếu là những người chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Thuốc điều trị bệnh lao được Chương trình chống lao quốc gia cấp miễn phí đối với tất cả các thể lao.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2020, Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng kêu gọi những người bị mắc bệnh và cộng đồng nơi họ sống chung tay góp sức nâng cao nhận thức về bệnh Lao, đồng thời kêu gọi sự quan tâm, tham gia hành động của cả hệ thống chính trị thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống lao Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 và mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về bệnh lao và các biện pháp phòng chống lao. Góp phần giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người mắc lao; tăng cường công tác dự phòng, chẩn đoán, phát hiện, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người mắc lao. Mọi người dân Việt Nam đều có quyền và nghĩa vụ tham gia chống Lao. Các cán bộ y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục giảm thiểu kỳ thị mặc cảm về bệnh lao, tư vấn và điều trị hiệu quả cho người bệnh, không tạo bất cứ rào cản nào khiến người dân phải giấu bệnh hoặc bỏ điều trị. 

Nguyễn Linh Trang

Hợp tác chuyên môn