Xét nghiệm HIV sớm cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Hiện nay, sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật đã giúp cho những bệnh nhân HIV càng có thêm nhiều cơ hội để chữa trị nhằm hạn chế sự phát triển của căn bệnh này. Đã có những loại thuốc ức chế virus (ARV) giúp người bệnh cải thiện sức khỏe một cách đáng kể. Nhiều người dân đặc biệt là phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ đã được điều trị đúng cách sức khỏe tốt hơn, duy trì sức khỏe ở trạng thái bình thường nhờ xét nghiệm phát hiện sớm HIV.      

Ảnh: Nguồn Internet
          Các con đường lây nhiễm HIV từ mẹ sang con
                Phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể lây truyền vi-rút cho con qua 3 giai đoạn:
          - Giai đoạn 1 - Khi mang thai: HIV từ mẹ qua rau (nhau) thai vào cơ thể thai nhi rất sớm, có thể ngay từ tuần thứ 8 của thai kì. Có khoảng 17%-25% trẻ sơ sinh có khả năng lây nhiễm HIV từ giai đoạn này.
          - Giai đoạn 2 - Khi chuyển dạ đẻ: HIV lây từ các dịch và máu của mẹ nhiễm HIV vào cơ thể trẻ. Khoảng 50% trẻ sơ sinh bị lây từ mẹ ở giai đoạn này.
          - Giai đoạn 3 - Khi cho con bú: HIV có thể lây qua sữa mẹ hoặc các vết nứt, trầy xước ở núm vú mẹ sang cơ thể trẻ. Khoảng 25% trẻ bị lây nhiễm HIV ở giai đoạn bú mẹ.
          Để tránh được những nguy cơ lây nhiễm như trên thì việc cần làm đầu tiên của các mẹ là tiến hành xét nghiệm HIV để bảo vệ sức khỏe của bản thân, thai nhi và những người xung quanh nếu như có kết quả dương tính. Khi xét nghiệm phát hiện sớm HIV, các mẹ sẽ được điều trị và nuôi dưỡng em bé đúng cách, tư vấn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
          Tầm quan trọng của thực hiện xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai
          Xét nghiệm phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai để áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng:
          - Giúp phụ nữ mang thai chưa nhiễm HIV tiếp cận các thông tin về HIV, xét nghiệm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và thực hiện các hành vi an toàn để làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho mình và cho con, chăm sóc thai nghén đầy đủ.
          - Giúp phụ nữ mang thai nhiễm HIV tự quyết định các vấn đề về sinh con, thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tiếp cận được những cơ sở dịch vụ khi có nhu cầu, nhất là về y tế và hỗ trợ về mặt tình cảm, tâm lý (giúp phụ nữ mang thai ổn định tinh thần, xây dựng nội lực để vượt qua khủng hoảng, vượt qua được sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng, tự quyết và tự tin trong cuộc sống). Phụ nữ nhiễm HIV được dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì trên 95% trẻ sinh ra sẽ không bị nhiễm HIV.

            Xét nghiệm HIV sớm giúp tiết kiệm chi phí và giảm gánh nặng về tài chính

          Xét nghiệm phát hiện sớm HIV giúp bệnh nhân giảm đáng kể chi phí thuốc, khám chữa bệnh và nằm điều trị tại các cơ sở y tế. Đồng thời, với những người dự phòng được sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh về lâu về dài ở hiện tại và trong tương lai đều tiết kiệm được rất nhiều chi phí, giảm gánh nặng về tài chính cho gia đình.
          Thời điểm và số lần xét nghiệm phát hiện HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai
            Xét nghiệm lần đầu cho tất cả phụ nữ mang thai trong lần khám thai đầu tiên. Trường hợp phụ nữ mang thai không được xét nghiệm HIV trong lần khám thai đầu tiên thì cần được xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt sau lần khám thai đầu tiên. Trường hợp phụ nữ mang thai không được xét nghiệm HIV trong quá trình mang thai thì cần được xét nghiệm HIV khi chuyển dạ, khi sinh con.
          Xét nghiệm lần thứ hai ở thai kỳ 3 tháng cuối cho các phụ nữ mang thai có nguy cơ cao nhiễm HIV khi quan hệ tình dục không an toàn; dùng chung bơm kim tiêm; mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục; mắc lao; bị phơi nhiễm với HIV; có chồng, bạn tình nhiễm HIV; hoặc có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm HIV.
          Nếu xét nghiệm HIV ở giai đoạn cuối thai kỳ hoặc ngay trước khi sinh thì rất khó trong việc điều trị dự phòng bởi việc điều trị dự phòng cần thực hiện ở tuần thứ 28 của thai kỳ mới đạt hiệu quả cao. Do vậy, khi mang thai các thai phụ cần được khám thai và làm xét nghiệm HIV sớm nhất trong 3 tháng đầu thai kỳ. Theo nghiên cứu, nếu được uống thuốc dự phòng đầy đủ từ tuần thai thứ 28, kết hợp không cho con bú thì tỷ lệ lây bệnh giảm xuống chỉ còn khoảng 5%.
          Hiện nay, Trung tâm Y tế Hữu Lũng điều trị ARV cho 79 người nhiễm HIV trong đó có 02 bệnh nhân đang nuôi con nhỏ. Các bệnh nhân được điều trị miễn phí từ các dự án viện trợ duy trì được sức khỏe ổn định. Từ năm 2019, người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được điều trị ARV hoàn toàn miễn phí (do Quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước đồng chi trả). Các chi phí khác như khám, xét nghiệm ... phục vụ điều trị HIV/AIDS cũng sẽ được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Tuy nhiên người bệnh vẫn phải chi trả các chi phí khám, xét nghiệm ... phục vụ điều trị HIV/AIDS nếu không có thẻ bảo hiểm y tế.
          Trung tâm Y tế Hữu Lũng là cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm HIV và trực tiếp điều trị cho các trường hợp nhiễm HIV mà người dân có thể tin tưởng lựa chọn đến khám bệnh. Trong quá trình khám, cán bộ y tế sẽ hướng dẫn và tư vấn giúp cho người dân cũng như gia đình có thể yên tâm về quá trình các phương pháp chăm sóc sức khỏe, dự phòng lây nhiễm, điều trị bệnh, đảm bảo ổn định tâm lý và mọi thông tin của người bệnh luôn được bảo mật không ảnh hưởng tới danh dự của người bệnh.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang

Hợp tác chuyên môn