Xử trí khi bị ong đốt
Những đặc điểm về loài ong chúng ta cần biết để giúp ích cho quá trình theo dõi cơ thể nạn nhân khi bị ong đốt
Ong là loài côn trùng có tổ chức xã hội cao, sống theo đàn. Ong sẽ tấn công người khi bị đe dọa. Khi bị kích động ong thường tấn công theo đàn. Càng nhiều vết đốt càng nguy hiểm, vết đốt càng gần vùng đầu mặt cổ càng nguy hiểm, vì ngay cả khi không bị dị ứng, tình trạng sưng nề có thể chèn vào đường thở gây ngạt thở.
Nọc ong là một hợp chất có tính acid, thông thường ong đốt hiếm khi gây ra phản ứng nghiêm trọng. Hầu hết các phản ứng là đau chói, ngứa và sưng nề tại chỗ, có thể tự hết sau một vài ngày.
Tuy nhiên, nếu bạn đã từng bị dị ứng với ong đốt, đã từng bị ong đốt nhiều lần, hoặc bị nhiều lần, hoặc bị nhiều nốt đốt tại một thời điểm. Bạn cần theo dõi y tế ngay lập tức bởi các phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, ngộ độc nọc ong có thể xuất hiện nhanh chóng.
Ong mật có ngòi chứa nọc hình răng cưa nên khi đốt chúng mắc luôn vào da để lại ngòi độc tại vết đốt/ chích. Nếu lấy ngòi độc không cẩn thận sẽ bóp thêm chất độc vào sâu vết đốt. Các loài ong khác có ngòi đốt trơn nhẵn nên có thể đốt nhiều lần. Nguy hiểm và độc tính cao nhất là ong đất hay còn gọi là ong bắp cày, ong vang, ong vò vẽ.
Ngộ độc nọc ong là biểu hiện toàn thân khi nọc ong vào cơ thể gây độc làm phá vỡ các tế bào, tiêu cơ cấp tính làm tắc ống thận. Các cơ quan bị tổn thương, cuối cùng suy đa phủ tạng. Có trường hợp chỉ một nốt đốt cũng bị tiêu cơ vân cấp hoặc sốc phản vệ.
Ảnh: Nguồn Internet
Cách xử trí khi bị ong đốt
Thực hiện các bước xử trí khi bị ong đốt như sau:
- Nhanh chóng ra di chuyển tới khu vực an toàn tránh bị bị đốt nhiều hơn.
- Loại bỏ ngòi độc: nếu ong mật đốt, bạn sẽ thấy ngòi độc ở giữa vết đốt, cần lấy nó ra bằng cách dùng thẻ nhựa cứng hoặc sống dao gạt ngang qua vết đốt có ngòi độc. Nếu dùng móng tay hoặc nhíp, tránh bóp nặn ép ngòi ong, nếu không nó sẽ tiết nọc độc vào sâu bên trong da.
- Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước lạnh. Nếu có thể hãy sát khuẩn bằng dung dịch cồn y tế hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Chườm lạnh trên vùng bị đốt bằng nước lạnh hoặc một túi nước đá khoảng 20 phút, lặp lại nếu tiếp tục đau.
- Nâng vùng tay hoặc chân có vết đốt lên cao hơn tim sẽ giảm sưng nề và đau.
- Bôi thuốc kháng histamin nếu vết đốt ngứa. Luôn chú ý với các triệu chứng dị ứng.
- Sau khi xử trí như trên nạn nhân bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Bác sĩ khuyến cáo: Phải đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu sau: có nhiều vết đốt; Bị đốt vào các vùng đầu mặt, cổ kèm theo dấu hiệu phù nề lan nhanh; có các dấu hiệu toàn thân sốt, mệt mỏi, khó thở, số lượng nước tiểu ít dần, nước tiểu màu đỏ như máu, có dấu hiệu dị ứng hoặc trước đây từng bị dị ứng với ong đốt, mẩn ngứa, đỏ da toàn thân hoặc cảm giác choáng váng, chóng mặt.
Việc không nên làm khi bị ong đốt
- Không bôi vôi lên vết đốt không có tác dụng vì bản chất nọc ong tiêm vào trong da
- Bôi mật ong lên vết đốt chỉ có tính kháng khuẩn không có tác dụng giảm đau.
- Trong một số trường hợp bôi kem đánh răng có dịu đi vì trong kem đánh răng có thành phần bạc hà.
- Không xoa bóp vết đốt, hạn chế gãi nếu không tình trạng sưng nề sẽ tiến triển nhanh.
Các biện pháp phòng tránh ong đốt
- Tránh tiếp xúc với ong. Không xua xua hay đuổi ong vì chúng bị thu hút bởi chuyển động. Thời điểm từ tháng 5 trở lại đây, trung tâm Y tế ghi nhận hơn 15 trường hợp bị ong đốt phải nhập viện điều trị, do đây là mùa có nhiều loại hoa quả như dứa, nhãn, vải,… thu hút ong.
- Khi ong tấn công hãy cố gắng chạy thật nhanh, kéo áo che kín đầu, dùng tay bảo vệ mặt.
- Không nên để cây cối mọc rậm rạp xung quanh nhà khiến ong dễ đến làm tổ, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng ngừa ong đến làm tổ.
- Khi đi vào rừng, đi dã ngoại cần tránh mặc quần áo màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm,… có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín./.