Hưởng Ứng Tuần Lễ Thế Giới Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ Từ Ngày 01 – Ngày 07/08/2023

Năm 2023, Liên minh Thế giới Hành động vì Nuôi con bằng sữa mẹ (WABA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố chủ đề của Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ là “Nuôi con bằng sữa mẹ – Làm nên điều khác biệt cho bố mẹ bận rộn”. Các sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 01/08/2023, đến ngày 07/08/2023.
          WHO khuyến cáo, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 06 tháng đầu đời của trẻ là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển và sức khỏe tốt nhất cho trẻ. Sữa mẹ cung cấp nguồn dinh dưỡng thiết yếu và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, giúp phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm. Nuôi con bằng sữa mẹ hỗ trợ sự kết nối giữa mẹ và con. Việc cho con bú thường xuyên tạo nên sự gắn kết này. Tuy nhiên, trong cuộc sống bận rộn ngày nay, việc duy trì cho con bú sữa mẹ có thể gây khó khăn cho nhiều bà mẹ bận rộn với công việc.

Ảnh: Nguồn internet
          Chiến dịch năm 2023 của WABA thúc đẩy và kêu gọi các cơ quan cung cấp cơ sở vật chất cho cha mẹ của trẻ sơ sinh có điều kiện cho trẻ bú sữa mẹ. Ngoài ra, cần có các chính sách hỗ trợ như cung cấp phòng cho con bú hoặc hút sữa và cho phép các chị em có thời gian nghỉ cho con bú linh hoạt. Bên cạnh đó, chiến dịch cũng khuyến khích các chương trình hỗ trợ và tư vấn cho các bà mẹ đang cho con bú.
                Với chủ đề “Tăng cường hỗ trợ NCBSM tại nơi làm việc”, tuần lễ thế giới NCBSM năm nay sẽ tập trung đẩy mạnh việc bảo vệ, hỗ trợ và khuyến khích bà mẹ phải đi làm tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ, góp phần nâng cao sức khoẻ, giảm tử vong trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
          Nguyên tắc nuôi con bằng sữa mẹ
          Trẻ bú càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh (trong 1 giờ đầu) để kích thích mẹ tiết sữa.
          Cho trẻ bú theo nhu cầu bất kể ngày đêm.
          Bú hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu, không cần ăn thêm bất kỳ thức ăn đồ uống nào khác.
          Bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang bên kia để đảm bảo trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối.
          Thời gian trung bình mỗi bữa bú 15 – 20 phút.
          Nên cai sữa khi trẻ được 24 tháng hay lâu hơn nếu có thể.
          Khi mẹ bị bệnh, trẻ ốm, trẻ không tự bú được thì nên vắt sữa và cho trẻ ăn bằng thìa.
          Chăm sóc nguồn sữa mẹ thật tốt.
          Chế độ nghỉ ngơi, lao động của bà mẹ cho con bú: Trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, người mẹ cần có thêm năng lượng để tạo sữa, có thời gian để nghỉ ngơi, lao động vừa phải. Nếu phải lao động nhiều mà ăn uống không đủ bà mẹ sẽ phải sử dụng chất dinh dưỡng dự trữ trong các mô của cơ thể để tạo sữa và vận động; bà mẹ sẽ bị suy dinh dưỡng.
         Chế độ dinh dưỡng của bà mẹ nuôi con bú: Bà mẹ ăn uống đầy đủ sẽ có đủ sữa và chất lượng sữa tốt cho con bú. Chú ý ăn thêm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như tôm, cua, cá, trứng, sữa, thịt, đậu đỗ, lạc vừng, rau xanh và quả chín. Nên ăn nhiều bữa và ăn nhiều hơn bình thường. Uống nhiều nước (1,5 đến 2 lít/ngày) vì cơ thể cần nhiều nước cho sự tiết sữa. Không nên ăn các loại thức ăn nhiều gia vị (ớt, tiêu, hành tỏi). Không uống rượu, cà phê và hút thuốc lá. Chỉ dùng thuốc khi có sự hướng dẫn của cán bộ y tế.
         Sữa mẹ cung cấp các kháng thể giúp cho trẻ sơ sinh ở khắp mọi nơi được khỏe mạnh và bảo vệ trẻ chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng. Nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mang lại lợi ích sức khỏe suốt đời cho trẻ em, phát triển trí não tối ưu, trẻ dễ tiêu hóa và hấp thu. Cải thiện sức khỏe của bà mẹ khi cho trẻ bú sớm ngay sau sinh giúp xổ rau, kích thích co hồi tử cung và giảm nguy cơ chảy máu sau đẻ cho mẹ. Cho trẻ bú ngay và thường xuyên sẽ kích thích tăng cường sản xuất sữa và phòng cương tức vú cho mẹ. Giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng cho mẹ.
         Nên tiếp xúc da kề da với trẻ sơ sinh của bạn. Để trẻ sơ sinh gần mẹ sẽ tạo điều kiện cho trẻ bắt đầu bú mẹ sớm hơn. Thời gian là tất cả và nên bắt đầu cho con bú trong vòng một giờ đầu tiên sau khi sinh.
         Nếu trẻ từ 6 tháng tuổi trở xuống thì nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn. Khi con bạn được hơn 6 tháng, hãy tiếp tục cho con bú sữa mẹ bằng và cho ăn dặm bằng các thực phẩm bổ sung an toàn và lành mạnh.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang


Bài viết liên quan

Hợp tác chuyên môn